Cô dâu 8 tuổi: phim Hot một thời đã bị khán giả "quay lưng"

2 sao - 08/05/2016, 08:51

Kéo dài quá nhiều năm, nội dung ngày càng xa rời chủ đề tảo hôn… là những nguyên nhân khiến phim không còn hay như xưa.

“Cô dâu 8 tuổi” hiện vẫn đang được phát sóng tại Việt Nam, cũng như ở Ấn Độ. Với cấu trúc phim dạng soap-opera (phim dài tập kéo dài hàng năm) nên đến hiện tại, phim vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Tuy nhiên ở Ấn Độ, rating của phim hiện đã không còn khả quan như lúc trước và điều này cho thấy sức hút của Anandi đã giảm dần.
 
“Cô dâu 8 tuổi” nay đã giảm độ “hot” vì nhiều lý do.

Thể loại soap-opera không còn hợp thời

“Cô dâu 8 tuổi” thuộc thể loại soap-opera, là thể loại phim dài tập xoay quanh cuộc sống của một nhóm nhân vật kéo dài trong nhiều năm ở trong phim và tương đương với đời thực. Các nhân vật này sẽ già đi theo đúng năm tháng và sẽ có con, cuộc sống gia đình mỗi ngày sẽ có thay đổi và xáo trộn. Những tình tiết vô lý tới mức hư cấu, những trường đoạn kéo dài lâm ly bi đát cũng sẽ được khai thác triệt để nhằm thu hút khán giả theo dõi mỗi ngày.
 
“Guiding Light” là phim thuộc thể loại soap-opera có độ dài “khủng” nhất: 18,262
 tập kéo dài trong 72 năm.

Thể loại soap-opera này một thời thịnh hành ở các nước Châu Âu và Mỹ. Đối tượng chủ yếu hướng tới là các bà nội trợ, vì thời điểm thập niên 70, 80 phụ nữ vẫn chưa đi làm nhiều như hiện nay. Các phim dài hơi kéo dài mấy chục năm như “Guilding Light”, “As the world turns”… đã lâm vào tình trạng thoái trào vì rating thấp, không còn sức hấp dẫn và đã kết thúc. Một số series soap-opera của Mỹ khác như “General Hospital”, “The Young and the Restless…” cũng lâm vào tình trạng suy thoái.
 
“Balika Vadhu” (tên gốc của “Cô dâu 8 tuổi”) có rating thấp nhất trong các phim
soap-opera ở Ấn Độ.

Quay lại với “Cô dâu 8 tuổi”, phim đã mở đầu cho xu hướng soap-opera ở Ấn Độ và thu hút nhiều người xem vào thời kỳ đầu. Trải qua 8 năm thì khán giả đã dần mệt mỏi bởi không biết khi nào phim sẽ kết thúc. Ngoài ra thời đại đã thay đổi, khi phụ nữ ở Ấn Độ đã đi làm nhiều hơn và không còn thời gian để theo dõi một câu chuyện kéo dài trong nhiều năm như vậy nữa. Vì vậy nên “Cô dâu 8 tuổi” cũng như các bộ soap-opera khác ở Ấn như “Âm mưu và tình yêu”, “Bí mật gia đình họ Khan”… cũng đang bị khán giả Ấn đề nghị “khai tử” vì đã không còn hợp thời.
 
“Âm mưu và tình yêu” phát sóng từ năm 2010 cũng bị khán giả ở Ấn lên tiếng nên
“khai tử”.

Nội dung không còn thu hút như ban đầu

So với “Âm mưu và tình yêu” hay “Bí mật gia đình họ Khan” thì “Cô dâu 8 tuổi” ngày càng lép vế về nội dung phim. Câu chuyện về Anandi phải kết hôn lúc 8 tuổi theo tục “tảo hôn” đã kết thúc từ rất lâu. Từ khi Anandi trưởng thành thì nội dung phim xoay quanh cuộc đời của cô nàng này cùng gia đình chồng. Có lẽ để cuộc đời của Anandi gian truân, trắc trở hơn nên phim đã kéo qua việc li dị người chồng gắn bó từ thưở nhỏ tuổi của cô, rồi cô bị lạc mất con gái của mình trong đau khổ... Để rồi phim lại đề cập chuyện Anandi có bạn trai mới và luôn tìm kiếm con của mình…
 
Phim ban đầu thu hút khán giả vì nội dung lên án nạn tảo hôn ở Ấn Độ.

Mục đích của phim ban đầu là lên án chế độ tảo hôn ở Ấn Độ, đó là chính điểm cuốn hút khán giả xứ Ần và cả Việt Nam theo dõi và say mê phim. Nhưng càng về sau, thông điệp ban đầu đã không còn, mà tất cả chỉ xoay quanh tình yêu nam nữ cùng những âm mưu đấu đá gia tộc và thương trường. Cách dàn dựng dài dòng cùng việc lạm dụng “slow motion” một cách quá đáng đã khiến cho khán giả không còn mặn mà gì với phim nữa. Có thể nói “Cô dâu 8 tuổi” là điển hình cho câu nói “phim càng dài càng dai càng dở”, phát sóng hơn 2000 tập ở Ấn mà vẫn còn loanh quanh lẩn quẩn nhiêu đó nội dung mà thôi.
 
Hiện tại thì phim càng ngày càng rời xa chủ đề tảo hôn, mà chỉ xoay quanh chuyện Anandi.

Diễn viên nay đã không còn tha thiết đóng

Việc tham gia thể loại soap-opera là con dao hai lưỡi, vừa có lợi và cũng vừa có hại. Lợi ở đây là diễn viên có vai diễn cố định được phát sóng mỗi ngày. Việc này sẽ giúp cho diễn viên thân quen với khán giả, đồng thời được khán giả nhớ đến hơn. Tuy vậy mặt hại ở đây là vì soap-opera kéo dài quá lâu, có khi nhiều năm liền. Nên hậu quả là diễn viên bị đóng khung vào một vai diễn duy nhất và khó lòng tham gia các phim khác.
 
Nhân vật Anandi đã 3 lần thay diễn viên trong suốt 8 năm qua.

Với “Cô dâu 8 tuổi”, việc đóng vai Anandi từ tập 1218 cho tới hiện tại là hơn 2000 tập đã khiến cho nữ diễn viên Toral Rasputra cảm thấy mệt mỏi. Cô muốn được thoát khỏi vai diễn Anandi để tìm kiếm một vai diễn khác mới lạ và thú vị hơn. Có lẽ vì vậy mà thời gian gần đây có tin đồn rằng nhà sản xuất sẽ cho nhân vật Anandi chết để con gái cô lên thay thế, mở ra câu chuyện “Cô dâu 8 tuổi” thế hệ con gái của Anandi. Việc này khiến khán giả lâu năm của phim ở Ấn tỏ ra không hài lòng, bởi nhân vật Anandi đã gắn liền với bộ phim. Nếu cho Anandi chết để cô con gái thay thế thì thà kết thúc phim cho xong.
 
Toral Rasputra đã quá mỏi mệt khi phải theo Anandi suốt những năm qua.


Lời kết:

Không chỉ ở Ấn Độ mà tại Việt Nam, độ “hot” của “Cô dâu 8 tuổi” đã dần hạ nhiệt bởi những lý do nêu trên. Thiết nghĩ thể loại soap-opera không dở, chỉ là không nên kéo dài quá lâu như thế. Nên việc thất bại của “Cô dâu 8 tuổi” khi bị khán giả dần quay lưng là chuyện có thể đoán trước được.

 
Nhân Sư
Theo Vietnamnet

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất