Chuyện mẹ chồng - nàng dâu gây bão màn ảnh từ hơn 20 năm trước đến nay
Sức nóng của bộ phim “Mẹ chồng tôi” cách đây hơn 20 năm và gần đây là “Sống chung với mẹ chồng” chứng tỏ mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu luôn là một đề tài hấp dẫn với khán giả.
- Rùng mình nhìn lại 3 cú tát trời giáng của "Sống chung với mẹ chồng"
- Nếu "Sống chung với mẹ chồng" hết, chẳng biết xem gì, đánh dấu ngay 4 phim này!
- Sống chung với mẹ chồng: Con người xấu xa đến mức không tưởng tượng được
- Mẹ chồng và con dâu "hú hồn" khi Phan Quân vứt thẳng dao lên bàn phán xử!
- "Sống chung với mẹ chồng" quay tập mới để thay đổi kết thúc?
Trong buổi họp báo giới thiệu phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng cách đây 2 tháng, nhiều phóng viên đặt câu hỏi với đạo diễn Vũ Trường Khoa về sự cũ kỹ, “không mới” của đề tài mẹ chồng – nàng dâu trên màn ảnh. Không ít người hoài nghi về sức hấp dẫn của chủ đề này đối với khán giả thời Facebook, Zalo.
Đạo diễn có nhiều cách để xây dựng hình ảnh mẹ chồng trên phim. Ảnh: VFC. |
Khi mẹ chồng nàng dâu hấp dẫn hơn cả đại gia chân dài
Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình là mối quan hệ tương đối nhạy cảm. Trong xã hội Á Đông, mẹ chồng - nàng dâu là câu chuyện muôn thuở, "xưa như Trái Đất" nhưng cũng chưa bao giờ hết tính thời sự. Sự nhạy cảm này được coi là "chất kích thích" đối với nhà làm phim về đề tài gia đình, tâm lý xã hội.
Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu được khai thác trên màn ảnh có thể không nhiều cung bậc như câu chuyện nam nữ với đại gia - chân dài, cuộc tình tay ba nhưng vẫn đầy "hỷ, nộ, ái, ố". Có thể không có những cảnh hành động thót tim như những bộ phim thể loại hình sự nhưng cũng gay cấn và tạo bất ngờ không kém.
Trao đổi về sức hấp dẫn của đề tài này, đạo diễn Vũ Trường Khoa hoàn toàn tự tin. Anh cũng cho biết những mâu thuẫn trong quan hệ mẹ chồng và nàng dâu tuy không mới nhưng là một câu chuyện muôn thuở.
“Đối với phần lớn người châu Á, đề tài về gia đình luôn tạo nên sức hút riêng cho mỗi tác phẩm. Mặc dù trong xã hội ngày nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đã có nhiều thay đổi nhưng những bất hòa, rắc rối vẫn luôn tồn tại”, nam đạo diễn nhấn mạnh.
Mẹ chồng tôi từng gây sốt màn ảnh với diễn xuất của cố nghệ sĩ Thu An và Chiều Xuân. Ảnh: Chụp màn hình. |
"Mẹ chồng tôi": Hơn 20 năm vẫn được yêu thích
Bộ phim truyền hình Mẹ chồng tôi của đạo diễn, NSND Khải Hưng (VFC sản xuất), phát sóng vào năm 1994, tức đã 23 năm vẫn được yêu thích và nhớ đến cho đến tận bây giờ.
Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Minh Chính, Mẹ chồng tôi là câu chuyện nhân văn về tình cảm giữa hai người phụ nữ "khác máu" nhưng coi nhau như ruột thịt. Nội dung phim kể về Thuận (Chiều Xuân đóng) một người phụ nữ đang thì xuân sắc. Vừa mới cưới thì chồng phải lên đường ra mặt trận.
Thuận ở nhà sống với mẹ chồng (cố NSƯT Thu An). Nhà chỉ có hai mẹ con nhưng hai người yêu thương nhau hết mực, cùng tăng gia sản xuất, lo việc đồng áng, gia đình.
Vì có giọng hát hay nên Thuận được cử làm văn công cho đài phát thanh xã. Ở đây, Thuận gặp gỡ, nảy sinh tình cảm rồi có bầu với Lực (Trần Lực) - người phụ trách đài phát thanh của xã. Biết chuyện con dâu có bầu với người đàn ông không phải con trai mình, dù đau buồn nhưng người mẹ chồng vẫn thông cảm và tha thứ cho con dâu.
Bà khuyên Thuận cắt đứt tình cảm với Lực và coi đó là cái thai có được trước khi chồng nhập ngũ. Sau đó chính bà loan tin với xóm làng về việc chuẩn bị có cháu nội. Khi con dâu có ý định sẽ nói sự thật với chồng, bà can ngăn "Nước đã đánh phèn đừng cho bùn vẩn lên. Không ai thành thánh ngay được".
Đứa cháu gái sinh ra dù không phải huyết thống nhưng bà vẫn hết lòng yêu thương, chăm sóc. Khi Lực mất, chính bà là người dẫn bé Cún đến viếng để con gái nhỏ được nhìn mặt cha mình lần cuối.
Cảnh kết phim, khi con dâu khen người mẹ chồng cả đời vì con, vì cháu, bà đã từ tốn đáp: "Lẽ tạo hóa không khác được, làm người đàn bà cực nhọc lắm mà cũng hạnh phúc lắm, rồi con sẽ thay mẹ, cháu sẽ thay con, nối nhau, bồi đắp mãi cho mảnh đất này. Muốn thế phải giữ tình người cho đẹp".
Lời thoại này khiến nhiều người xem rơi nước mắt. Hình ảnh bà mẹ chồng với diễn xuất của cố nghệ sĩ Thu An trở thành một trong những nhân vật nhân văn và được yêu thích nhất màn ảnh.
Sống chung với mẹ chồng là bộ phim gây bão màn ảnh thời gian gần đây. Ảnh: VFC. |
Đến bộ phim gây bão “Sống chung với mẹ chồng”
Sống chung với chồng có cách khai thác vấn đề và xây dựng nhân vật khác với Mẹ chồng tôi. Tuy vậy, phim vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả truyền hình, thậm chí trở thành chủ đề bàn tán, dự đoán, tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Phóng tác từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Trung Quốc Phù Thủy Dưới Đáy Biển (tên thật là Giả Hiểu), Sống chung với mẹ chồng được nhận xét là tôn trọng nguyên tác. Phim xây dựng mối quan hệ căng thẳng, gay gắt, với những va đập về tính cách, quan điểm sống giữa mẹ chồng - nàng dâu.
Bà Phương là người yêu chồng thương con nhưng lại luôn muốn kiểm soát người khác. Bà xét nét, soi mói can thiệp thô bạo vào đời sống riêng của vợ chồng con trai. Không dừng lại ở đó, bà Phương còn có cách cư xử không đúng mực với thông gia.
"Đối đầu" với bà Phương là Vân - một nàng dâu hiện đại, bộc trực và thắng tính. Vân thích ra ở riêng thay vì sống với gia đình nhà chồng, cô cũng không thích về sớm nấu ăn hay dậy sớm vào ngày nghỉ để dọn dẹp nhà cửa. Mẹ chồng muốn có cháu nhưng cô lại muốn trì hoãn. Sự khác biệt này, khiến mối quan hệ giữa Vân và bà Phương lên đến đỉnh điểm của căng thẳng.
Trước nhận định Sống chung với mẹ chồng mang đến một bức tranh quá u ám về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, đạo diễn Vũ Trường Khoa chia sẻ: "Đúng là có ý kiến như vậy, nhưng không ít khán giả lại khen hoặc cho rằng rút được kinh nghiệm từ phim. Thậm chí có người còn cho rằng ngoài đời có những trường hợp quá đáng hơn trong phim.
Tôi nghĩ rằng khán giả bây giờ xem phim cũng rất tỉnh táo, có lựa chọn, biết phân tích nên chắc không đến nỗi mất niềm tin vào gia đình, hôn nhân".
Đạo diễn Vũ Trường Khoa cũng khẳng định anh không xây dựng “cuộc chiến” giữa mẹ chồng và nàng dâu với mục đích tạo ra những suy nghĩ trái chiều cho khán giả truyền hình về hình ảnh hai người phụ nữ.
“Trong phim không có nhân vật nào là chính diện hay phản diện. Thay vào đó, bộ phim để khán giả tự suy ngẫm, tự lựa chọn họ nên đứng ở vị trí nào và phải làm sao để có cách sống phù hợp trong gia đình.
Ngoài ra, tôi cũng muốn khán giả thấy người đàn ông trong gia đình có vai trò quan trọng như thế nào trong việc dung hòa mối quan hệ giữa mẹ chồng và vợ”, đạo diễn nói thêm.
Theo Khuê Tú/Zing
Video được xem nhiều nhất