Chuyện ly kỳ về phiên bản Tây Du Ký 1927 từng bị cấm chiếu
Phiên bản "Tây Du Ký" năm 1927 được giới chuyên môn ghi nhận là phim đầu tiên chuyển thể từ tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân.
Với những người hâm mộ tác phẩm Tây Du Ký, phần lớn đã quá quen thuộc với phiên bản phim truyền hình kinh điển năm 1986. Thế nhưng ít ai biết rằng, bộ phim nổi tiếng này còn có một phiên bản ra đời từ năm 1927.
Theo Thepaper, phiên bản Tây Du Ký này có tên Động Bàn Tơ sản xuất vào những năm 1920 tại Thượng Hải (Trung Quốc), được giới chuyên môn ghi nhận là phim đầu tiên chuyển thể từ tiểu thuyết thần thoại của Ngô Thừa Ân.
Phiên bản Tây Du Ký 1927.
Tác phẩm được sản xuất theo thể loại phim câm, hình thức trắng đen, do Đản Đỗ Vũ làm đạo diễn, nữ chính là Ân Minh Châu - vợ Đản Đỗ Vũ. Dự án giúp vợ chồng Đản Đỗ Vũ - Ân Minh Châu nhận về khoản thù lao 50.000 NDT.
Vào thời điểm đó, mỗi gia đình bình thường ở Thượng Hải chỉ chi tiêu 30 đồng/tháng. Với số tiền khổng lồ này, vợ chồng đạo diễn đã sử dụng để mua trang thiết bị làm những bộ phim tiếp theo.
Tới năm 1929, nối tiếp thành công của phần một, Đản Đỗ Vũ thực hiện phần hai. Song, sau đó cả hai phần đều bị cấm chiếu vì diễn viên mặc táo bạo, phim có nhiều cảnh bị cho là "bại hoại thuần phong mỹ tục".
Phiên bản Tây Du Ký năm 1927 tuy được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng nơi phát hiện ra nó lại ở tận Na Uy.
Gần như không ai biết về tác phẩm này cho đến tận năm 2011, khi Thư viện quốc gia Na Uy rà soát lại 9000 cuộn phim cổ họ đang lưu trữ.
Khi đang thống kê lại, Thư viện quốc gia Na Uy bất ngờ tìm thấy một cuộn phim có tiêu đề ghi bằng tiếng Trung, được biết đây là bộ phim châu Á đầu tiên được trình chiếu tại quốc gia này.
Sau đó, họ mới phát hiện ra bộ phim này dựa trên cuốn tiểu thuyết Tây Du Ký nổi tiếng của tác giả Ngô Thừa Ân.
Cuộn phim có cả phụ đề tiếng Trung và tiếng Na Uy, được coi là bản sao duy nhất còn tồn tại vì không thể tìm thấy bản gốc. Do bị lưu trữ quá lâu, nhiều thước phim đã bị hư hại nặng nề.
Vì thế, các chuyên gia ở Na Uy đã phải phục chế lại rồi mới trao trả cho Cục lưu trữ Điện ảnh Trung Quốc từ năm 2014.
Việc hóa trang các nhân vật trông cực kỳ đáng sợ, không kém gì phim kinh dị thời nay.
Phó giáo sư viện Nhân văn học của Đại học Đồng Tế, Thượng Hải Thang Duy Kiệt đánh giá bộ phim Tây Du Ký: Động Bàn Tơ thuộc hàng "bom tấn" thập niên 1920, đánh dấu những đột phá trong sử dụng kỹ xảo, hiệu ứng mỹ thuật.
Phần phim kể về việc thầy trò Đường Tăng gặp kiếp nạn với 7 con yêu tinh nhện. Các diễn viên đóng yêu tinh nhện đều là nam giới. Họ ăn mặc thiếu vải, cảnh quay không có tiếng động, mang màu sắc kinh dị khiến không ít khán giả sợ hãi.
Do là bản phim câm nên rất khó để nhận xét về nội dung cũng như các tình tiết của Tây Du Ký phiên bản năm 1927 này. Tuy nhiên, dựa vào hình ảnh trong phim đã cho thấy trình độ diễn xuất của những diễn viên thuộc hàng ngũ đi đầu của nền điện ảnh Trung Quốc.
Trang phục hở hang trong một phân cảnh của phim.
Khi các hình ảnh trong phim được công bố, nhiều khán giả cảm thấy bất ngờ với mức độ "bạo dạn" của các diễn viên thời ấy. Trong nhiều phân cảnh, có thể thấy diễn viên cả nam và nữ đều không ngại khoe da thịt trên màn ảnh rộng.
Một số người cho rằng, điều này rất dễ hiểu vì vào thời điểm đó, văn hóa phương Tây đã du nhập vào Trung Quốc nên các diễn viên cũng phải ăn mặc hợp thời và hợp thị hiếu của công chúng
Theo Người Đưa Tin
theo nguồn https://2sao.vn/phim-c-aaj/
Video được xem nhiều nhất