Chỉ xem một phim mà diện kiến được 4 mẫu bà mẹ điển hình trong "Cả một đời ân oán"
Với một phim nặng kịch tính gia đình như "Cả một đời ân oán" thì những người mẹ là các nhân vật rất quan trọng.
- "Cả một đời ân oán": Nhịn hết nổi, Hồng Đăng hóa... lầy, dọn luôn vào nhà Mỹ Uyên!
- "Cả một đời ân oán": Hồng Đăng điên máu nghĩ kế hiểm trả thù mẹ chồng của người yêu cũ
- "Cả một đời ân oán": Là kẻ đến sau nhưng vẫn ghen, là đáng trách hay đáng thương?
- "Cả một đời ân oán": Mẹ đẻ xúi Hồng Diễm giấu đồ ở nhà chồng mang về cất
- 5 lý do bạn nên bật tivi xem bộ phim drama nhất hiện tại “Cả một đời ân oán"
Địa hạt phim truyền hình của Việt Nam gần đây xuất hiện hàng loạt những nhân vật người mẹ đáng nhớ. Chắc hẳn nhiều khán giả vẫn chưa quên bộ phim Sống chung với mẹ chồng năm vừa rồi với hai nhân vật nữ có hai tính cách trái ngược là bà Phương và bà Bằng do cặp đôi NSND Hương Bông - Lan Hương thể hiện.
Hiện nay, bộ phim Cả một đời ân oán vừa mới đi qua tập thứ 10 cũng mang đến màn ảnh những nhân vật người mẹ nổi bật không kém. Dù không gây được ấn tượng với những câu nói thần sầu hay những pha xử lý quái chiêu như bà Phương hay dì Bích trong Sống chung với mẹ chồng nhưng những người mẹ của Cả một đời ân oán đại diện cho 4 kiểu người mẹ mà hàng ngày chúng ta vẫn bắt gặp hay được nghe kể về ở ngoài đời.
1. Người mẹ cực đoan
Đây là kiểu nhân vật không hiếm trong phim truyền hình Việt. Lần gần đây nhất, khán giả được thấy bà Phương trong Sống chung với mẹ chồng chính là một kiểu người yêu con cực đoan điển hình. Trong nhiều trường hợp, sự bao bọc quá mức sẽ đem đến hoặc là sự ngột ngạt cho người con, hoặc là cảm giác tự mãn, ngạo mạn rất tiêu cực. Bà Lan trong Cả một đời ân oán cũng không kém cạnh. Dường như cái câu "cả một đời ân oán" là để chỉ một mình bà, oán tất cả mọi người trong gia đình vì trót lỡ là người đến sau nên phải xù lông lên mà giữ hạnh phúc.
Bà Lan trong "Cả một đời ân oán" do NSƯT Mỹ Uyên đóng
Trong trường hợp đầu, anh chồng của Minh Vân là một công tử bột điển hình. Hàng ngày phải chịu sự kìm hãm, che chắn quá mức của bố mẹ, do đó anh trở nên phụ thuộc, thụ động trong cuộc sống và cuối cùng là dẫn đến thảm hoạ trong hôn nhân.
Trường hợp hai là của Khôi trong Cả một đời ân oán . Anh luôn cư xử rất bốc đồng và có xu hướng bạo lực, cẩn tắc. Điều này xuất phát từ sự nuông chiều quá mức của bà Lan dành cho anh từ khi còn bé.
2. Người mẹ thực dụng
Bên cạnh những người như bà Lan thì bà Hảo (NSƯT Thanh Quý) cũng là một kiểu người mẹ điển hình trong xã hội. Bà không quan tâm đến việc con mình có được hạnh phúc hay không mà chỉ nhìn vào việc mình có thể hưởng lợi được gì ở con cái. Với bà, việc sinh con là một khoản đầu tư không hơn không kém. Nếu thành công thì đó là công lao của bà. Còn nếu thất bại thì đó là do người con đó quá kém cỏi.
Bà Hảo thậm chí còn dạy con lấy đồ nhà chồng về giấu làm của riêng
Thành thực mà nói, cũng thật quá phiến diện nếu phán xét một người mẹ như bà Hảo khi mà chỉ 10 tập của bộ phim mới trôi qua. Nhưng căn rễ của những bất đồng và sóng gió trong nhà họ Vũ lại gián tiếp xuất phát từ chính quyết định của bà Hảo.
Nếu năm xưa, bà chấp nhận để cho Dung (Hồng Diễm) lấy Phong (Hồng Đăng) thì giờ đây họ đã có một cuộc sống no đủ và hạnh phúc. Phong sẽ không nuôi ý định quấy nhiễu, trả thù Vũ Gia nữa và Diệu cũng sẽ không phải lao theo một mối tình vô vọng.
3. Người mẹ đơn thân
Một trong số các nhân vật sắc nét nhất trong phim là bà Mai. Nhân vật này xuất hiện trong phim ở cả hai mốc thời gian là thời còn trẻ và hiện tại. Ở chân dung của mình thời trẻ, bà Mai là một người phụ nữ độc lập, dũng cảm một mình chăm sóc con trai trong khi đối mặt với đủ thứ khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là hình bóng một người đàn ông trụ cột.
Ở chân dung thời điểm hiện tại, bà là người đứng ra khuyên nhủ con trai tìm về cha ruột để nối lại tình cảm. Dù mạnh mẽ và cương nghị nhưng bà cũng là một người mềm mỏng, cả tin, luôn luôn hướng niềm tin vào những điều tốt đẹp và giáo dục con trai mình sống sao cho thật tử tế. Nhân vật này khá tương đồng với nhân vật mẹ ruột của Minh Vân trong Sống chung với mẹ chồng ở chỗ hiểu chuyện, từ tốn, ưu tiên việc dạy con nên người .
4. Người mẹ bao dung
Người mẹ cuối cùng trong danh sách và cũng là người mẹ trẻ nhất được giới thiệu trong phim đó là Dung. Cô là kiểu phụ nữ truyền thống điển hình. Trái ngược hẳn với mẹ ruột là bà Hảo, Dung dịu dàng, giỏi nấu ăn, biết chăm sóc và quan tâm đến mọi người trong gia đình. Chính vì những phẩm chất quý như vàng ấy mà cả Phong lẫn Đăng (Mạnh Trường) đều chết mê chết mệt Dung. Sau khi bị mẹ Dung ép chia tay, Phong đâm ra lãnh cảm với phụ nữ, trở nên lạnh lùng, biến thành một cỗ máy kiếm tiền vô cảm.
Còn với Đăng, Dung lại là một chiến lợi phẩm, một phi vụ vô giá mà cả đời doanh nhân của anh chắc cũng không có được. Hai người đàn ông đa tài trong phim chắc hẳn sẽ có rất nhiều pha đối đầu để có được tình cảm của người phụ nữ này về sau.
Dù là vợ hai (vợ cả của Đăng đã mất), bị mẹ chồng chèn ép, con riêng của chồng thì ngỗ nghịch nhưng Dung vẫn bình tĩnh cư xử ôn hoà với tất cả mọi người và cố gắng hết sức để làm tròn nghĩa vụ của một người con dâu, người mẹ kế, người vợ trong gia đình.
Kết
Phim ảnh là phương tiện phản ánh đời thực và với 4 nhân vật trên thì Cả một đời ân oán đã phần nào phản ánh được sự đa chiều trong các kiểu nhân vật mà ta thường thấy ngoài đời, đặc biệt là hình tượng những người mẹ.
Tuy nhiên, ngoài đời thực thì không có gì là tuyệt đối và điện ảnh thì cũng không nhất thiết chỉ có trắng và đen. Chúng ta hãy cùng kiên nhẫn để xem các nhân vật này có chuyển biến tích cực hay tiêu cực nào trong tương lai hay không.
Theo Minh Quân/Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất