Cách phân loại phim 18+ ở nước ngoài

24h - 27/09/2015, 19:38

Mỗi quốc gia sẽ tùy thuộc vào văn hóa bản địa để có cách phân loại phim, đặc biệt là những phim có chi tiết liên quan đến tình dục, bạo lực và các vấn đề nhạy cảm khác.

 

Mới đây, Cục điện ảnh vừa đưa dự thảo Thông tư sửa đổi Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam thảo luận lần cuối. Nội dung đáng chú ý nhất trong dự thảo nằm ở bảng phân loại phim 18+, trong đó cảnh khỏa thân, cảnh tình dục trong mỗi phim không quá 3 lần và mỗi cảnh "nóng" không được kéo dài quá 5 giây.

Ngoài ra, các phim ra rạp ở Việt Nam sẽ được phân theo bốn mức: Phim dành cho mọi lứa tuổi (dán nhãn là P), Phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi (C13), Phim không dành cho người dưới 16 tuổi (C16) và Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18). Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh.

 - 1

"50 sắc thái" có nhãn 16+ khi phát hành tại Việt Nam

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam đưa ra một quy chế cho việc phân loại phim chiếu rạp. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới đã đưa ra một hệ thống phân loại độ tuổi xem phim vô cùng chi tiết. Thậm chí ở nhiều quốc gia, hệ thống này còn được sử dụng thay thế hoặc bổ sung cho những cơ quan kiểm duyệt ở nhiều nước.

Ở những nước như Úc, một cơ quan chính phủ sẽ quyết định việc phân loại, trong khi đó ở Hoa Kỳ và một số nước khác, việc đánh giá sẽ thực hiện bởi một tổ chức không thuộc chính quyền (ví dụ MPAA).

Các yếu tố tình dục, các cảnh khỏa thân, các cảnh hành động bạo lực, ngôn từ và hành động tục tĩu là những yếu tố để bộ phim được phân loại. Ở hầu hết các nước, những bộ phim được coi là xâm phạm đạo đức sẽ có thể bị kiểm duyệt, hạn chế, cắt bỏ một số nội dung hay cấm trình chiếu. Chẳng hạn như phim Mike (1992) nói về một sát nhân hàng loạt là một cậu bé mới 9 tuổi đã bị cấm chiếu trên toàn bộ phương diện bao gồm ra rạp, phát hành DVD hay lưu hành trên internet.

Nhìn chung, bảng phân loại của các quốc gia đều được chia thành cách mức: Phổ biến mọi lứa tuổi; Trẻ em dưới 9 (hoặc 12) tuổi cần phụ huynh giám sát;  Cấm trẻ em dưới 13 tuổi; Cấm trẻ em dưới 16 tuổi; Chỉ dành cho người trên 18 tuổi.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có sự điều chỉnh để phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của đất nước. Chẳng hạn những nước như Mỹ, ngay cả những phim có chứa nội dung tình dục nhẹ nhàng cũng có thể bị hạn chế chỉ dành cho người lớn tuổi, thì ở Pháp hay Đức, nội dung tình dục được đánh giá thoáng hơn. Ngược lại, yếu tố bạo lực khiến những phim bạo lực bị xếp loại cao và kiểm duyệt ở Phần Lan hay Đức, còn ở Mỹ lại xếp loại nhẹ hơn cho những bộ phim loại này.

 - 2

Biệt đội đánh thuê 3 đã giảm bớt yếu bố bạo lực để ra rạp với nhiều đối tượng khán giả hơn.

Mỹ là một quốc gia có hệ thống phân loại phim kỹ càng với các mức độ G (dành cho mọi lứa tuổi), PG (trẻ em dưới 9 tuổi phải có phụ huynh xem cùng), PG-13 (trẻ em dưới 13 tuổi phải có phụ huynh xem cùng), R (giới hạn độ tuổi chỉ dành cho người trên 16) và NC-17 (cấm người dưới 17 tuổi).

Việc phân loại phim cũng nằm trong những lí do khiến phim có thể thành công hay thất bại. Ví dụ như 2 phần đầu của The Expendables (Biệt đội đánh thuê) được dán nhãn R với những cảnh hành động có tính chất bạo lực, máu me nhưng sang đến phần 3, các nhà làm phim đã điều chỉnh để bộ phim được ra rạp với nhãn PG-13, điều này đồng nghĩa với việc đối tượng khán giả sẽ được mở rộng hơn nhưng lại khiến bộ phim mất đi tính gay cấn, hấp dẫn vì đã bỏ bớt yếu tố bạo lực.

Hàn Quốc – một quốc gia châu Á có những quy định ngặt nghèo về độ tuổi xem phim chiếu rạp. Chẳng hạn như có những phim được dán nhãn R tại Mỹ khi về Hàn Quốc sẽ lại nằm trong khung phân loại cấm người dưới 18 tuổi. Còn những phim có nhãn NC-17 của Mỹ sẽ bị cấm chiếu rộng rãi tại Hàn mà chỉ được lưu hành nội bộ tại một số rạp đặc biệt. Đó là những phim có lời thoại tục tĩu, có những cảnh liên quan đến tình dục ở mức cao (mô tả rõ ràng cảnh quan hệ tình dục hoặc cảnh quay kéo dài hơn 3 giây), có những cảnh khỏa thân rõ ràng, đặc tả bạo lực đặc tả chi tiết cảnh sử dụng các chất kích thích bị cấm hoặc có các yếu tố gây tranh cãi, nội dung đả kích, châm biếm, xúc phạm... liên quan đến lịch sử, tôn giáo, dân tộc.

Những bộ phim ở Hàn muốn thoát khỏi nhãn Giới hạn sẽ phải làm mờ toàn bộ những cảnh liên quan đến tình dục, cắt bỏ những cảnh bạo lực hoặc sử dụng các chất kích thích để được ra rạp với nhãn 18+.

 - 3

Sex and the city bị dán nhãn 18+ ở nhiều nước châu Á.

Một đất nước khác nằm trong khu vực Đông Nam Á là Philipines lại thoáng hơn trong việc phân loại phim chiếu rạp với 2 mức phân loại phim dành cho lứa tuổi 16+ tương đương với mức R của Mỹ và mức dành cho lứa tuổi 18+ tương đương với NC-17 của Mỹ (có thể kèm theo việc chỉnh sửa, cắt bỏ bớt những yếu tố nhạy cảm).

Hồng Kông có hệ thống phân loại phim đơn giản hơn với cấp I (Cho mọi người xem), cấp IIA (Cấm trẻ em dưới 10 tuổi), cấp IIB (cấm trẻ em dưới 13 tuổi) và cấp III (chỉ dành cho người trên 18). Đặc biệt với những phim được dán nhãn cấp III, người xem phim cũng như người bán vé sẽ bị xử lý theo pháp luật nếu cho phép người dưới 18 tuổi vào rạp. Các cửa hàng băng đĩa cũng sẽ bị phạt nếu bán phim cấp III cho người dưới 18 tuổi. Những phim được dán nhãn cấp III của Hồng Kông cũng bị quản lý rất khắt khe. Chẳng hạn như bộ phim tâm lý Sex and the city được dán nhãn R tại Mỹ thì sang Hồng Kông bị dán nhãn 18+ kèm theo cắt bỏ những cảnh nhạy khỏa thân trong phim.

Argentina với sự thông qua của Hội đồng Tư vấn Biểu diễn Điện ảnh đã có hệ thống phân loại phim mà ngoài phim 18+ còn có những phim được dán nhãn X với ý nghĩa “khiêu dâm rõ ràng”.

Quốc gia láng giềng với Việt Nam là Trung Quốc hoàn toàn không hề có hệ thống phân loại theo tuổi. Tất cả các phim điện ảnh tại Trung Quốc đều chỉ có hai loại: Dành cho tất cả mọi người và bị cấm hoàn toàn. Điều này đã khiến cho nhiều phim có các cảnh nóng không thể cập bến Trung Quốc hoặc đã phải cắt bỏ rất nhiều.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất