Bom tấn điện ảnh số 1 Nhật Bản 2015

Tiin - 20/05/2015, 09:43

Hè 2015, các nhà làm phim xứ sở hoa anh đào sẽ đưa bộ truyện tranh ăn khách “Attack on Titan” lên màn ảnh rộng. Loạt manga từng thu hút hàng triệu độc giả bởi cốt truyện độc đáo.

Hè 2015, các nhà làm phim xứ sở hoa anh đào sẽ đưa bộ truyện tranh ăn khách “Attack on Titan” lên màn ảnh rộng. Loạt manga từng thu hút hàng triệu độc giả bởi cốt truyện độc đáo.

 

Khi loài người bị các Titan khổng lồ truy sát

 

Attack on Titan lấy bối cảnh thế giới giả tưởng, đầy rẫy những sinh vật khổng lồ được gọi là Titan. Chúng cao từ 3-15 m, có cái mồm rộng toác và luôn thèm khát ăn thịt người. Để sinh tồn, nhân loại dựng lên ba bức tường thành Maria, Rose và Sina với chiều cao hơn 50 m nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công đẫm máu.

 

 

Bìa hai tập đầu tiên của Attack on Titan. Loạt truyện tranh cũng đang được xuất bản tại Việt Nam.

 

Sau hơn 100 năm, một Titan có chiều cao quá khổ xuất hiện, phá vỡ bức tường thành Maria phía ngoài cùng, mở đường cho đồng loại của nó tiến vào tiêu diệt loài người.

 

Nhân vật chính của câu chuyện là Eren, một trong những người sống sót sau cuộc thảm sát ở rìa Maria. Trực tiếp chứng kiến cảnh mẹ mình bị một Titan ăn thịt khiến Eren quyết tâm trở thành người chiến binh tiêu diệt bè lũ khổng lồ. Cùng với Mikasa và Armin, cậu tham gia Trinh sát đoàn - đơn vị đặc biệt được nhân loại lập nên để chuyên đối phó với các Titan.

 

Hiện tượng mười năm có một trong làng truyện tranh Nhật Bản

 

Khi tập 12 của Attack on Titan được phát hành, số lượng bản bán ra của bộ truyện tranh đạt cột mốc 20 triệu, thành tích lịch sử trong nền công nghiệp truyện tranh Nhật Bản.

 

Thành công đến từ việc Attack on Titan không nêu ra các chân lý gò bó, mà đặt ra các câu hỏi mở để người đọc tự tìm câu trả lời. Không phân định phe thiện - ác, không đưa ra khuôn mẫu lý tưởng, tất cả giá trị nhân sinh của cuộc sống và con người được lột tả trong bối cảnh trận chiến sinh tồn.

 

 

Các Titan từng góp mặt trong thế giới của các siêu anh hùng Avengers.

 

Số lượng nhân vật xuất hiện nhanh chóng rồi biến mất nhanh trong Attack on Titan không khác gì loạt phim truyền hình Game of Thrones. Song, họ được tác giả gán cho những tính cách đặc trưng, không bị lẫn lộn. Một nhân vật dù chỉ xuất hiện trong hai chương ngắn ngủi, nhưng hoàn toàn có thể ghi dấu ấn trong tâm trí độc giả.

 

Sức ảnh hưởng của Attack on Titan đối với văn hóa đại chúng Nhật Bản được thể hiện rõ trong những năm qua. Người ta được thấy nhiều vật phẩm liên quan tới các Titan, như quả bóng khổng lồ trước cửa nhà xuất bản Kodansha, hộp cơm bento hiệu Titan, tượng Titan được làm bằng 80 tấn cát trên bờ biển, siêu xe Ferrari phiên bản Titan...

 

Áo khoác da lửng, các vật phẩm có huy hiệu của Trinh sát đoàn, mô hình nhân vật chính... được người hâm mộ săn lùng khắp mọi nơi dù giá của chúng không hề rẻ. Ở phía bên kia bán cầu, hãng Marvel thậm chí còn mời các Titan tham gia vào thế giới siêu anh hùng bằng việc cho chúng xuất hiện trong dự án Attack on Avengers.

 

Bốn năm sau khi loạt truyện tranh bắt đầu xuất hiện, khán giả được chứng kiến phiên bản anime chuyển thể vào năm 2013. Được thực hiện bởi studio WIT, loạt phim chuyển thể sở hữu các góc nhìn đẹp mắt, màu sắc hài hòa, đi kèm chuỗi hiệu ứng hành động đã mắt.

 

Theo thống kê của Oricon, Attack on Titan chỉ đứng sau huyền thoại One Piece về số lượng bán ra, cũng như chinh phục được cộng đồng độc giả nước Mỹ khó tính. Loạt phim hoạt hình chuyển thể của bộ truyện tranh giành chiến thắng tuyệt đối tại lễ trao giải Anime New Type với 5 hạng mục.

 

 

Loạt anime Attack on Titan hiện đã kết thúc mùa đầu tiên.

 

Phiên bản điện ảnh đáng mong đợi

 

Bộ truyện tranh Attack on Titan được vẽ với tiến độ khá chậm (một chương/tháng), còn thông tin về mùa hai của loạt phim hoạt hình hiện vẫn bị bỏ ngỏ. Song, người hâm mộ không cần phải quá lo lắng khi bộ phim điện ảnh chuyển thể đã sẵn sàng ra rạp. Đây được xem là bom tấn số một của Nhật Bản nói riêng và điện ảnh châu Á trong mùa hè 2015.

 

Giống như nhiều bộ phim chuyển thể từ truyện tranh, ban đầu tạo hình các nhân vật gây ra không ít tranh cãi. Bộ phim dự kiến chia thành hai phần, với sự tham gia của Miura Haruma, Kiko Mizuhara, Kanata Hongo, Shu Watanabe…

 

 

Tạo hình của nhân vật chính Eren Yeager.

 

Nhiều ý kiến cho rằng Miura quá lớn tuổi để vào vai nhân vật chính Eren. Trong khi đó, nhân vật Levi, đội trưởng của Trinh sát đoàn, lại bị thay thế bởi một nhân vật mới toanh có tên Shikishima.

 

Tuy nhiên, sau khi Attack on Titan tung ra trailer, bầu không khí tiêu cực lập tức bị xua tan. Đa số nhận xét Miura Haruma thể hiện Eren khá hợp vai; đồng thời ca ngợi Kiko Mizuhara có cuộc lột xác thành nữ chiến binh Mikasa với cái nhìn đầy ám ảnh sau khi từng hóa thân thành nàng Midori của Rừng Nauy.

 

 

Nàng thơ của G-Dragon, Kiko Mizuhara, vào vai nhân vật nữ ấn tượng nhất của loạt truyện là Mikasa.

Nhà sản xuất Sato Yoshihiro từng tuyên bố ông không đặt nặng vấn đề ngoại hình của diễn viên phải giống nhân vật trong truyện. Điều quan trọng là họ phải làm toát lên thần thái và hiểu được tính cách phân vai mình thể hiện. Trên thực tế, phiên bản điện ảnh cũng không hoàn toàn bám sát nội dung của bộ truyện gốc.

Theo kế hoạch, phần đầu tiên của Attack on Titan ra mắt khán giả Nhật Bản vào tháng 7. Ngoài ra, bộ phim sẽ còn được thực hiện thêm phiên bản mở rộng trên sóng truyền hình, với sự tham gia của chính các ngôi sao của bản điện ảnh.

Tại Việt Nam, bom tấn Attack on Titan dự kiến khởi chiếu trong tháng 8.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất