Bộ phim về người chuyển giới chỉ quay bằng điện thoại

Zing - 27/11/2015, 13:47

Bộ phim độc lập có kinh phí siêu thấp 100.000 USD xoay quanh chuyện đêm Giáng sinh của hai cô gái chuyển giới bán hoa và được quay hoàn toàn bằng Iphone.

“Giáng sinh vui vẻ nhé, con khốn”. Đó là câu thoại bất ngờ chen ngang giai điệu du dương của ca khúc Toyland và mở đầu cho Tangerine.

Trong buổi sáng 24/12 nắng gắt và ít mây tại Los Angeles, Sin-Dee Rella (Kitana Kiki Rodriguez) được thả khỏi trại giam sau khi bị bắt giữ vì tội tàng trữ chất kích thích. Còn lại vỏn vẹn 2 USD trong túi, cô gái vẫn ngồi ăn mừng với người bạn Alexandra (Mya Taylor) tại một tiệm bánh donut. Chỉ có điều, đó là hai cô gái chuyển giới da màu và đều hành nghề mại dâm.

 

Tangerine là tác phẩm mang đề tài chuyển giới và được quay hoàn toàn bằng điện thoại iPhone 5s. Hai điều đó được đạo diễn Sean Baker giữ kín cho tới trước buổi công chiếu của bộ phim tại LHP Sundance 2015.

Trong lúc hàn huyên, Alexandra buột mồm tiết lộ Chester (James Ransone) - tay ma cô và là hôn phu của Sin-Dee Rella, đã ăn nằm với một “con cá trắng” (“fish” là từ lóng mà người chuyển giới dùng để chỉ những người có thiên hướng tình dục thuận theo giới tính bản thân) trong 28 ngày bạn mình ở trong tù. Alexandra không rõ đứa da trắng kia là ai, mà chỉ biết ả có tên bắt đầu bằng vần “D”. Biết chuyện, Sin-Dee nổi cơn tam bành và bắt đầu chuyến hành trình tìm kiếm “con cá trắng” trên đường phố Los Angeles.

Cùng lúc đó, người xem còn được theo chân Razmik (Karren Karagulian). Giáng sinh dường như cũng giống như bao ngày khác đối với tay tài xế taxi nhập cư người Armenia. Ông có thể phiền lòng khi hành khách say xỉn rồi nôn mửa trên xe. Nhưng niềm vui sẽ đến nếu Razmik tìm được một cô gái chuyển giới và giúp mình thỏa mãn ham muốn tình dục kỳ lạ. Song, trong mắt gia đình, ông luôn là một người cha, người chồng tận tụy.

Lần lượt ​các nhân vật trong Tangerine phải đối mặt với sự dối trá. Song, họ cũng chưa sẵn sàng để đối diện với sự thật​.

 

“Los Angeles là sự dối trá được bao bọc một cách đầy tươi đẹp”. Câu thoại gần cuối phim giống như lời nhận xét chính xác dành cho toàn bộ những điều mà nhóm nhân vật trong Tangerine phải đối mặt. Sin-Dee muốn tìm hiểu xem Chester đã lừa dối mình ra sao. Razmik luôn cố gắng tạo ra vỏ bọc hoàn hảo trong mắt gia đình để tránh khỏi sự soi mói từ bà mẹ vợ mới sang Mỹ định cư. Còn Alexandra thì đặc biệt hơn một chút khi cô là nạn nhân, nhưng đồng thời cũng là tác giả của sự dối trá.

Hình ảnh Los Angeles thường hiện lên đầy náo nhiệt, sôi động và hiện đại trên màn ảnh. Tangerine lấy bối cảnh ở nơi cách Hollywood không bao xa. Nhưng đó là những địa điểm mà du khách tới Mỹ tham quan không bao giờ muốn, hoặc có lẽ không dám, đặt chân tới. Sự hoa lệ của LA chỉ thấp thoáng xuất hiện trong giây lát khi Sin-Dee rảo bước qua Đại lộ Danh vọng Hollywood.

Cuộc tìm kiếm “con cá trắng” có tên bắt đầu bằng chữ “D” và Chester của Sin-dee là mạch truyện chính của Tangerine. Khi “đàn ông chỉ biết dối trá” và “chúng ta phải tự biết xoay xở ngược xuôi” như lời của Alexandra, chuyến hành trình của cô gái chuyển giới đội tóc giả màu vàng không đơn thuần chỉ là đi tìm người, mà còn là đi tìm đáp án cho những mối quan hệ thân thiết nhất trong cuộc đời mình.

Hình ảnh người chuyển giới được đạo diễn Sean Baker khai thác đầy nhăn văn qua Tangerine, có thể giúp công chúng dành cho một bộ phận cộng đồng LGBT cái nhìn thiện cảm hơn.

Ban đầu, Sin-Dee rời khỏi tiệm bánh donut trong cơn giận dữ đến tột độ, chỉ muốn mau chóng được trả thù. Theo sau lưng cô trong hầu hết thời lượng bộ phim, người xem dần dần cảm nhận rõ hơn tính cách nhân vật, cảm thông với cô hơn, để rồi vỡ òa khi bộ phim gần khép lại. Sự tài tình của đạo diễn Sean Baker được thể hiện khi anh không cố gắng biến Sin-Dee hay Alexandra trở thành hình ảnh phổ quát của cộng đồng chuyển giới. Khán giả xem phim đôi lúc có thể quên rằng họ thuộc thế giới thứ ba và chỉ trông thấy hai cá nhân đang cố gắng khẳng định bản thân và giành lấy những điều lẽ ra thuộc về mình, giống như bao con người bình thường khác.

Trớ trêu thay, Razmik lại xây dựng nên tình huống đối lập khi ông thực chất là một người chối bỏ bản thân. Trường đoạn khắc họa thói quen tình dục khác lạ của người tài xế, cùng cảnh ông ngồi ăn quây quần bên gia đình và con gái nhỏ khiến hình ảnh người đàn ông hoàn toàn vụn vỡ. Sin-Dee băng qua hàng loạt cây thông Noel nhấp nháy khi màn đêm buông xuống, và một trong những cây thông Noel ấy có lẽ là thứ duy nhất còn ở lại bên Razmik trong đêm Giáng sinh đầy ắp sự kiện.

Hậu trường bộ phim Tangerine. Những hình ảnh từ ba chiếc máy điện thoại iPhone 5s giúp bộ phim có nhiều khung hình rực rỡ, bão hòa.

Giống như tựa đề đã gợi ý, toàn bộ Tangerine được phủ một lớp màu cam bão hòa tới mức tối đa. Chuyển cảnh diễn ra đầy góc cạnh, nhiều lúc đột ngột. Đó là bởi Sean Baker thực hiện bộ phim bằng ba chiếc điện thoại iPhone 5s, chiếc ống kính màn ảnh rộng tháo rời giá 175 USD, thiết bị steadicam cầm tay giá 100 USD và phần mềm Filmic Pro giá 7,99 USD. Điều đó được nhà làm phim giữ bí mật cho tới trước khi anh trình làng bộ phim tại Liên hoan phim Sundance 2015 diễn ra hồi đầu năm.

Muốn khám phá và khai thác những câu chuyện ở “khu đèn đỏ phi pháp” của Los Angeles, Sean Baker bỏ ra 8 tháng để tìm kiếm bối cảnh quay, rồi tìm đến một trung tâm LGBT trong vùng. Tại đó, anh làm quen được với đôi bạn thân chuyển giới Mya Taylor và Kitana Kiki Rodriguez. Họ không phải là những diễn viên chuyên nghiệp, nhưng tình bạn ở ngoài đời thực rõ ràng đã được họ đem lên màn ảnh đầy tự nhiên và thuyết phục.

 

Trong lúc chính phủ Việt Nam mới chính thức công nhận chuyển đổi giới tính, Tangerine hẳn là một lát cắt thời sự, chân thực, hài hước, nhưng không kém phần cay đắng về một bộ phận của cộng đồng LGBT. Phim mới nhận được bốn đề cử quan trọng tại giải thưởng điện ảnh quan trọng Independent Spirit Awards 2016, bao gồm Phim truyện, Đạo diễn, Nữ diễn viên chính (Kitana Kiki Rodriguez) và Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Mya Taylor).

Zing.vn đánh giá: 4/5

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất