"Bộ ba rắc rối" - "Hangover" phiên bản lỗi của điện ảnh Việt

Kênh 14 - 24/05/2015, 08:41

"Bộ ba rắc rối" - phim được mệnh danh "Tèo Em phiên bản nữ" - hao hao giống "Hangover" của Hollywood nhưng chất lượng kém xa.

Dự án Bộ ba rắc rối lúc đầu có tên là Chuyện ba cô nàng và được lên kế hoạch trình chiếu trong dịp Tết Nguyên đán 2015. Thế nhưng để tránh những phim Tết khác và trau chuốt hơn cho giai đoạn hậu kỳ, tác phẩm quyết định dời ngày ra mắt đến cuối tháng 5. Đạo diễn của phim là Võ Tấn Bình, một tên tuổi ăn khách trong làng phim truyền hình với những tác phẩm như Mùa sen hay Hương phù sa. Thế nhưng bộ phim điện ảnh đầu tiên của anh là Nàng men chàng bóng (năm 2012) lại vướng phải khá nhiều chỉ trích. Sau thành công lớn củ a Tèo Em ở phòng vé, nhà sản xuất tiếp tục “thừa thắng xông lên” và khai thác thể loại hài hành trình trong Bộ ba rắc rối. Nội dung của phim xoay quanh một cuộc phiêu lưu oái oăm của ba cô nàng chẳng có điểm chung gì. Mỹ (Kathy Uyên) vốn là một người phụ nữ thành đạt, sống thoáng theo kiểu Tây, Dung (Thúy Nga) là một người vợ đảm đang và yêu thương chồng, còn Vy (Hoàng Oanh) là một nhà báo trẻ hay mơ mộng trong tình yêu. Sau một đêm quắc cần câu ở Hội An đến mức chẳng nhớ chuyện gì, cả ba tỉnh dậy trong bộ dạng tơi tả cùng một anh chàng bí ẩn (Hiếu Nguyễn). Vẫn chưa hết tồi tệ, họ nhận ra mình đang bị săn đuổi bởi tay chân của Trùm Đất (nghệ sĩ Việt Anh).

 

 

Bộ ba rắc rối lấy ý tưởng từ bộ phim hài đình đám The Hangover của Mỹ, nhưng lồng ghép thêm yếu tố văn hóa Hội An, câu chuyện tình yêu, gia đình. Mặc dù vậy, chính việc nhồi nhét quá nhiều đã làm loãng nội dung phim, thay vì tập trung vào đường dây chính là cuộc phiêu lưu của ba cô nàng.

Thành công của một phim hài hành trình chủ yếu đến từ những tình huống hài hước, oái oăm giữa các nhân vật. Phim có một số cảnh hài hước nhưng phần lớn lại sa đà vào phong cách hài mảng miếng hoặc hài lố nhạt nhẽo. Với sự góp mặt của danh hài Thúy Nga cùng một dàn diễn viên khách mời tên tuổi như Huy Khánh, Cát Phượng, Khương Ngọc, lẽ ra đạo diễn Võ Tấn Bình phải tạo ra được nhiều tình huống tung hứng có duyên hơn, nhiều pha hài hước hơn để khán giả có thể cười “rung rạp”. Nhưng tiếc thay điều đó không xảy ra, Thúy Nga đơn thân độc mã là người “gánh phim”.
 

Mặc dù mở đầu ấn tượng nhưng càng về sau thì Bộ ba rắc rối càng khiến khán giả hụt hẫng. Các tình huống được xâu chuỗi rời rạc, trong khi sự nửa vời của tuyến nhân vật phản diện lại khiến phim nhập nhằng giữa ranh giới hài và “nghiêm túc”. Khán giả cũng dễ dàng nhận thấy nhiều chi tiết chưa logic và có phần vô lý đến khó tin của câu chuyện. Sự thay đổi tâm lý của đám đông ở đoạn kết, lẽ ra phải tạo được sự đồng cảm nơi người xem, thì lại có phần quá giả tạo, phi thực tế.

 
Phim cũng mắc phải một căn bệnh chung của phim Việt, đó là quá dài dòng trong lời thoại. Nhiều tình tiết khán giả thừa sức hiểu, nhưng các nhân vật lại phải nói huỵch toẹt ra. Tiêu biểu nhất phải kế đến những đoạn quá lê thê của nhân vật ông trùm và trưởng thôn. Các màn đối đáp của nhân vật Vy và anh chàng bí ẩn (Hiếu Nguyễn) về “tình yêu lí tưởng” thì lại khiến nhiều khán giả phải bật cười vì quá sến sẩm.
 
 
Trong vai chính, Kathy Uyên thể hiện thành công nhân vật Mỹ có tư tưởng phóng khoáng, hiện đại, mặc dù vậy nữ diễn viên vẫn chưa cải thiện được nhiều về khả năng phát âm tiếng Việt (nên phải có đoạn nhân vật giải thích rằng mình đi du học). Á hậu Hoàng Oanh trong lần đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng có diễn xuất tạm ổn, dù nhân vật của cô có tính cách quá khuôn sáo. Trong khi đó nữ nghệ sĩ Thúy Nga lại là “cây hài” của phim, nhất là khi cô chuyển đổi tính cách từ ngoan hiền sang nổi loạn trong nửa sau của phim. Hiếu Nguyễn dù là nhân vật phụ nhưng cũng rất sáng giá, trừ những đoạn bị “dìm” cho lời thoại thì cách anh diễn, cười, nháy mắt đều phù hợp với nhân vật. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Hiếu Nguyễn trở thành một gương mặt ăn khách của điện ảnh Việt sắp tới.
 
 
Điểm tích cực của bộ phim lại đến nhiều hơn từ những góc máy quay đẹp. Với sự chăm chút của đạo diễn Võ Tấn Bình, bộ phim đã thành công trong việc tôn vinh những hình ảnh nên thơ của Hội An, Cù Lao Chàm, thánh địa Mỹ Sơn, cũng như những ngành nghề dân gian thô sơ nhưng lại vô cùng gần gũi. Bộ phim cũng để lại một thông điệp ý nghĩa, đó là đề cao giá trị truyền thống của con người Việt Nam, giữ gìn bản sắc dân tộc.
 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất