Biến tướng văn hóa thần tượng đẩy lùi ngành phim ảnh Trung Quốc

14/12/2021, 09:48

Theo Sina, nhiều khán giả đem tình cảm, sự yêu ghét nghệ sĩ hay các vấn đề ngoài lề trở thành tiêu chuẩn đánh giá phim.

Theo SCMP, Douban - trang đánh giá phim, tác phẩm truyền hình của Trung Quốc tương đương với Rotten Tomatoes, là một nơi để khán giả bày tỏ cảm nhận về các bộ phim.

Trên Douban có các nhóm thảo luận đa dạng, nhờ đó người hâm mộ có thể tham khảo trước đánh giá về bộ phim. Theo Sina, trước đó, điểm chất lượng của các phim trên trang Douban được nhận định là khá chính xác.

Tuy nhiên, hiện nay Douban bị biến thành cuộc chiến giữa fan và antifan. Họ không chỉ miệt mài đánh giá tốt cho tác phẩm của thần tượng mà còn cố gắng hạ bệ phim của đối thủ, với nhiều nhận xét thiếu khách quan, sai thực tế.

"Người trong nghề lâu nay bất lực trước sự xâm lấn của văn hóa fan xấu xí này", Sina khẳng định.

Chiêu trò xấu trước khi xem phim

Trang 163 đưa tin bộ phim Phong Khởi Lạc Dương lên kế hoạch phát sóng vào 1/12. Vì kỹ thuật xảy ra vấn đề, phim phải lùi lịch chiếu. Song, đã có nhiều bình luận chê phim, chê diễn xuất của dàn diễn viên.

Tương tự, bộ phim Ai Là Hung Thủ của Triệu Lệ Dĩnh lên sóng từ ngày 5/12, song nữ diễn viên chưa xuất hiện trong hai tập đầu. Tuy nhiên, đã có không ít bình luận trên trang Douban chê bai diễn xuất, đài từ của Triệu Lệ Dĩnh và chấm cho bộ phim số điểm thấp.

Phim Nữ Bác Sĩ Tâm Lý của Dương Tử lên sóng 30 phút, trên Douban cũng xuất hiện nhiều đánh giá một sao với nội dung phim dở, đã xem qua hai tập nhưng vì Dương Tử diễn kém nên bỏ phim...

Biến tướng văn hóa thần tượng đẩy lùi ngành phim ảnh Trung Quốc-1Biến tướng văn hóa thần tượng đẩy lùi ngành phim ảnh Trung Quốc-2Biến tướng văn hóa thần tượng đẩy lùi ngành phim ảnh Trung Quốc-3Biến tướng văn hóa thần tượng đẩy lùi ngành phim ảnh Trung Quốc-4
Khán giả Trung Quốc hiện tại có nhiều hành vi chơi xấu nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Youku, Iqiyi.

Theo Sina, điểm chung của ba bộ phim này là có sự tham gia của các ngôi sao trẻ, nhiều người hâm mộ, đang có danh tiếng cao trong giới giải trí Hoa ngữ (hay còn gọi là ngôi sao lưu lượng).

Sina nhận định: "Chỉ cần có ngôi sao trẻ, nổi tiếng nhiều người hâm mộ tham gia bộ phim truyền hình thì nhất định sẽ có đối thủ và sẽ có nhiều hơn một đối thủ. Vì vậy, dự án đó chịu không ít đánh giá một sao kể từ khi mới bắt đầu phát sóng. Các diễn viên cũng bị công kích về diễn xuất, nội dung phim bị nhận định kém dù trái với thực tế".

Theo Sina, ngày càng có nhiều khán giả đem tình cảm, sự yêu ghét nghệ sĩ hay các vấn đề ngoài lề trở thành tiêu chuẩn đánh giá phim. Như bộ phim Đương Gia Chủ Mẫu, tác phẩm vốn mở màn ở mức trung bình 5/10 điểm, nhưng sau scandal hạ độc, ngược đãi mèo đã bị khán giả tràn vào đánh giá điểm chất lượng của phim thấp xuống còn 2,8.

Sự biến tướng của văn hóa fandom

Theo Sina, việc thảo luận về các bộ phim truyền hình nổi tiếng cũng là cơ hội để các nhà sản xuất, diễn viên nhìn nhận lại bản thân, thay đổi theo nhu cầu của khán giả. Những nhóm thảo luận cũng mở rộng tầm nhìn của người xem, giúp bộ phim và nghệ sĩ càng trở nên nổi tiếng.

Tuy nhiên, người hâm mộ đã lợi dụng quy chế tính điểm của Douban để hạ bệ hoặc tung hô thần tượng một cách thiếu khách quan. Sina đặt ra câu hỏi: "Chấm điểm trên mạng có thể trở thành tiêu chí để đánh giá đúng chất lượng của một bộ phim truyền hình?"

Sina nhận định: "Trong ngành, việc bôi đen và mua đánh giá tốt diễn ra thường xuyên, có sự giúp sức của hệ thống công nghệ. Mặt khác, việc bôi đen dễ dàng hơn, nên các đánh giá xấu một sao thường khó ngăn chặn hơn và về cơ bản không thể tránh khỏi".

Biến tướng văn hóa thần tượng đẩy lùi ngành phim ảnh Trung Quốc-5Biến tướng văn hóa thần tượng đẩy lùi ngành phim ảnh Trung Quốc-6Biến tướng văn hóa thần tượng đẩy lùi ngành phim ảnh Trung Quốc-7Biến tướng văn hóa thần tượng đẩy lùi ngành phim ảnh Trung Quốc-8
Các ngôi sao của Trung Quốc thường xuyên nhận đánh giá xấu trên các diễn đàn vì có lượng antifan đông đảo. Ảnh: Sina.

Sina cho biết thêm nhiều nhóm fan đã bàn luận chiến dịch đánh giá điểm thấp dự án phim của đối thủ. Chiêu trò này còn được những người đứng sau thúc đẩy, tạo thành một hệ thống những nhóm người xem giả thực hiện đánh giá tốt hoặc xấu cho bộ phim, được gọi là "thủy quân". Từ đó, trong phần đánh giá thường xuất hiện các bình luận có nội dung giống nhau.

Sina cho rằng việc hạ bệ nghệ sĩ thông qua đánh giá thấp điểm chất lượng của phim cũng thể hiện sự biến tướng của văn hóa fandom.

Theo 163, việc hạ bệ đối thủ đã trở thành vấn nạn xấu xí của khán giả Trung Quốc. Điều này làm ảnh hưởng đến thành tích của bộ phim, đó là công sức của tập thể hàng chục nhân viên và các nghệ sĩ. Những chiêu trò bôi đen cũng khiến công chúng khó có cái nhìn khách quan về tác phẩm.

Theo Tân Hoa Xã, từ lâu các nhà quản lý lo ngại vấn đề thần tượng và người hâm mộ vượt ngoài tầm kiểm soát. Hồi tháng 8, Cơ quan quản trị không gian mạng Trung Quốc ban hành lệnh cấm mọi hình thức xếp hạng nghệ sĩ dựa vào mức độ nổi tiếng trên các nền tảng kỹ thuật số.

Mục tiêu lớn nhất của chiến dịch là ngăn chặn sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cộng đồng người hâm mộ, hạn chế spam bài đăng, chia sẻ và bình luận.

Ngoài ra, việc này còn thể hiện sự quản lý lỏng lẻo của các nền tảng. Do đó, đầu tháng 12, Bộ công nghệ thông tin Trung Quốc đã rà soát nhiều trang mạng, kiểm tra sai phạm khác trong cách quản lý người dùng. Bộ này đã yêu cầu xóa một số app vi phạm Luật an ninh mạng và Luật bảo vệ thông tin cá nhân.

Theo Zing

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất