Bi kịch cuộc đời tài tử Cambodia từng thắng giải Oscar

Zing - 25/02/2016, 11:49

Cho đến nay, Haing Ngor vẫn là tài tử gốc Á đầu tiên và duy nhất thắng giải ‘Nam diễn viên phụ xuất sắc’ của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh nước Mỹ (AMPAS).

Ngày 25/3/1985, Haing Somnang Ngor được Oscar xướng tên chiến thắng tại hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc với bộ phim The Killing Fields. Ông sau đó bị bắn chết tại Los Angeles vào đầu năm 1996 ở tuổi 55.

Giờ thì tượng vàng Oscar của Ngor được cô cháu gái ông cất giữ cẩn thận tại nhà riêng. Sophia Ngor Demetri mang nợ người chú quá cố khi cô từng được ông giúp trốn khỏi đất nước Cambodia lúc ấy đang nằm dưới chế độ cai trị hà khắc của chính quyền Khmer Đỏ.

Haing Ngor suýt chút nữa đã không thể trực tiếp nhận tượng vàng Oscar năm 1985 chỉ vì kẹt xe. Ảnh: AP

Chuyến hành trình từ đất nước Cambodia xa xôi tới lễ trao giải Oscar năm 1985 của hai chú cháu nhà Ngor suýt chút nữa không trở nên trọn vẹn bởi một lý do lãng nhách: tắc đường. Chiếc xe limousine của họ bị kẹt trên đường phố Los Angeles. Khi Linda Hunt đọc tên các ứng viên tranh giải Nam diễn phụ xuất sắc năm ấy, Haing và Demetri Ngor thậm chí còn chưa đến được chỗ ngồi của họ.

Nhưng rồi hai chú cháu cũng kịp tới sảnh đường Dorothy Chandler Pavilion, vừa đúng lúc Haing Ngor được công bố là người chiến thắng. Ông chạy vội lên sân khấu và có bài phát biểu cảm ơn nhà tuyển trạch Pat Golden của The Killing Fields, hãng Warner Bros. và đức Phật. Trở về nhà, Haing đưa bức tượng vàng cho cháu gái, nói rằng: “Thứ này dành cho cháu. Chú làm tất cả chính là vì cháu”.

Câu chuyện kỳ diệu của hai chú cháu nhà Ngor bắt đầu từ năm 1979. Khi đó Demetri mới 10 tuổi, đang phải sống giữa các bãi mìn và luôn trong tình trạng đói khát. Cô bé được Haing giúp trốn thoát khỏi chính quyền Khmer Đỏ tới một trại tị nạn của Thái Lan và rồi đặt chân đến nước Mỹ.

Hình ảnh Haing Ngor (trái) trong vai phóng viên Dith Pran ở The Killing Fields (1984). Ảnh: Warner Bros.

 

Bốn năm sau, nhà tuyển trạch Pat Golden tìm kiếm một người đàn ông Cambodia để sắm vai nhà báo nổi tiếng Dith Pran trên màn ảnh. Ông tình cờ gặp được Haing Ngor tại một đám cưới ở Long Beach, California. “Cậu ấy mang trong mình khiếu diễn xuất bẩm sinh”, nhà tuyển trạch hồi tưởng với tờ The Hollywood Reporter.

Trước đó, Haing Ngor từng là một bác sĩ phẫu thuật. Ông trở lại Thái Lan để bấm máy The Killing Fields, giao Sophia lại cho người giám hộ. Tại quốc gia Đông Nam Á, Ngor phải đối diện với nỗi đau quá khứ, như chuyện ông từng phải chứng kiến vợ mình qua đời khi sinh con mà không thể làm gì. Bởi nếu để lộ ra mình là bác sĩ, Ngor và vợ sẽ bị quân Khmer Đỏ xử tử.

Nhưng ông không hề sợ hãi khi phải nhớ lại những nỗi đau ấy. Đạo diễn của The Killing Fields, Roland Joffe, tiết lộ: “Diễn xuất đòi hỏi bạn phải trao cả tâm hồn cho vai diễn. Và đó là điều mà Haing Ngor đã làm được”.

Sau giải thưởng Oscar danh giá, Haing Ngor tiếp tục tham gia nhiều bộ phim và series truyền hình tại Mỹ trong 10 năm sau đó. Ông cũng “lợi dụng” chiến thắng phi thường năm 1985 để thực hiện nhiều buổi nói chuyện gây cảm hứng, cũng như trở về quê hương để giúp đỡ quốc gia từng mất đi gần 2 triệu sinh mạng dưới thời Khmer Đỏ.

Cho đến giờ, rất nhiều người dân Cambodia vẫn tin rằng những hoạt động mang đậm tính chính trị đã khiến Haing Ngor bị bắn chết ở bên ngoài nhà riêng của ông ở khu Chinatown, Los Angeles vào ngày 25/2/1996. Tuy nhiên, nhà chức trách không tìm thấy bằng chứng nào cho giả thiết ấy. Đó chỉ là một vụ cướp có kết cục đáng buồn do ba tên xã hội đen trong vùng gây ra. Tài liệu từ phía chính quyền tiết lộ Haing Ngor quyết không đưa cho chúng chiếc mề đay đựng bức ảnh duy nhất còn lại của người vợ quá cố nên ông đã bị sát hại.

Sophia Ngor Demetri nay hạnh phúc bên cạnh gia đình cùng chồng và hai người con. Trên tay cô là bức ảnh người chú quá cố nâng cao tượng vàng Oscar. Ảnh: The Hollywood Reporter

 

Cô cháu gái Sophia Ngor Demetri giờ đã 46 tuổi, nhưng cô luôn cảm thấy đau đớn mỗi khi nghĩ đến người chú. “Ông ấy là tất cả những gì tôi có, là cha, là mẹ, là chú, là người bạn thân. Khi ông bị giết, chúng đã cướp đi bốn người trong cuộc đời tôi”, cô nói.

Bức tượng Oscar năm xưa của Haing Ngor nay được Sophia phủ một tấm vải đen trong phòng khách. Trong suốt hai thập kỷ qua, kể từ ngày xảy ra bi kịch, cô rất ngại trả lời phỏng vấn báo chí. “Nhưng tôi nghĩ mình cần phải trở nên mạnh mẽ. Sự nổi tiếng đã giúp tiếng nói của ông ấy vươn đến mọi người. Mỗi khi có ai trông thấy tượng Oscar của ông, họ lại hỏi tôi về đất nước Cambodia. Tôi nghĩ tên tuổi của ông sẽ còn sống mãi.”, Sophia nói.

AMPAS không mấy khi ưu ái các diễn viên châu Á ở hạng mục diễn xuất. Mới có bốn diễn viên mang trong mình dòng máu châu Á sở hữu tượng vàng Oscar: Yul Brynner giải Nam diễn viên chính xuất sắc năm 1956 với The King and I, Miyoshi Umeki giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc năm 1957 với Sayonara, Haing Ngor giải Nam diễn viên phụ xuất sắc năm 1984 với The Killing Fields, và Ben Kingsley giải Nam diễn viên chính xuất sắc năm 1982 với Gandhi.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất