Bị Càn Long ép nhảy hồ tự tử, Lưu gù đáp lại khiến hoàng đế nể phục
Đối diện với sự tức giận của vua Càn Long, Lưu Dung chỉ dùng vài lời khôn khéo mà có thể ung dung vượt qua cửa tử.
Tể Tường lưu gù là một tác phẩm truyền hình kinh điển gắn bó với nhiều thế hệ khán giả. Nội dung của bộ phim kể về cuộc đời của chàng thanh niên ở Sơn Đông tên là Lưu Thạch Am, lên kinh thành ứng thí. Chàng trai trẻ với hình hài kỳ dị chính là Lưu Dung, tuy mang tấm lưng gù nhưng bên trong là một tấm lòng trong sáng và trí tuệ hơn người.
Tạo hình nhân vật Lưu Dung của nam diễn viên Lý Bảo Điền.
Trong phim, Lưu Dung được biết đến là một người tài năng trong việc xử lý chính sự và rất nhanh nhạy khi ứng biến với các tình huống rủi ro. Khi đối diện với cơn thịnh nộ của Càn Long, vị quan nay chỉ nói đôi lời đã khiến hoàng đế đổi giận thành vui, không những thế còn ban thưởng hậu hĩnh cho ái khanh. Màn đối đáp kinh điển của Lưu Dung đối với Càn Long đã gây ấn tượng trong lòng khán giả.
Ở tập 12, vị quan họ Lưu bị hoàng đế ép đi nhảy hồ bởi tự ý truyền thánh chỉ giả. Khi đó, Lưu Dung từ sớm đã nghĩ ra cách ứng phó, liền trả lời: "Xin từ biệt hoàng thượng. Đợi kiếp sau thần sẽ lại đến hầu hạ hoàng thượng".
Ngay sau đó, ông đã lập tức rời khỏi cung nhưng không đi nhảy hồ mà về nhà bảo nô tỳ chuẩn bị một chậu nước lớn rồi mặc nguyên cả bộ quần áo vào tắm. Không lâu sau, Lưu Dung đã thong dong về triều, cung kính tâu rằng: "Bẩm hoàng thượng, thần nhảy xuống hồ thì gặp một người nên mới quay lại". Lúc này, Càn Long tò mò hỏi lại: "Gặp ai hả?"
"Khuất Nguyên, khi nhìn thấy thần, Khuất Nguyên liền hỏi rằng: Sao ông cũng nhảy sông tự tử à? Ông ấy nói rằng năm xưa ta gặp phải ông vua vô đạo nên mới nhảy sông tự tử. Chả nhẽ ông cũng hầu vua tàn bạo ư? Bỗng dưng thần nghĩ việc thần chết thì nhỏ nhưng danh tiếng của hoàng thượng là lớn. Sau đó, thần đã đáp lại: Hoàng thượng của ta anh minh, sáng suốt ngàn đời, Sở Hoài vương vô đạo của ngài làm sao sánh bằng được. Vì vậy, Khuất Nguyên đã cho thần quay trở lại, còn nhờ thần gửi lời vấn an hoàng thượng", Lưu Dung bình tĩnh trả lời.
Màn đáp trả thông minh của Lưu Dung (Lý Bảo Điền) khiến Càn Long (Trương Quốc Lập) hết lời khen ngợi.
Khuất Nguyên là một nhà thơ yêu nước nổi tiếng vào thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông từng làm quan dưới trướng Sở Hoài vương của nước Sở nhưng sau lại bị quân chủ của mình đày ra Giang Nam. Sau cùng, ông gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.
Lưu Dung đã mượn lời Khuất Nguyên để hóa giải kế sách của nhà vua. Nghe xong lời ứng đối ấy, Càn Long liền cười lớn. Sau đó, hoàng đế chẳng những không còn làm khó Lưu Dung mà còn hết lời khen ngợi và ban thưởng hậu hĩnh cho vị trọng thần tài trí hiếm có này.
Ngoài ra, Lưu Dung còn được biết đến là người quân tử, thông thạo nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó tinh tế nhất là thư pháp. Với nét chữ sâu sa trầm lắng, thư pháp của vị quan này được rất nhiều người săn đón vào thời điểm đó. Bên cạnh đó, cờ vây cũng là một trong những tài năng nổi bật của Lưu Dung.
Lưu Dung được biết đến là một cao thủ chơi cờ vây.
Ở tập 37 trong bộ phim Tể Tường lưu gù, khi đó Càn Long đã truyền lại ngôi vương cho Gia Khánh và trở thành thái thượng hoàng. Vì thế những khi rảnh rỗi, ông thường tìm Lưu Dung để đánh cờ. Kỹ năng chơi cờ vây của Lưu Dung phải nói rằng thực sự siêu phàm. Ông luôn có thể điều khiển và xoay chuyển ván cờ trong ván đấu với Càn Long khiến cho thái thượng hoàng có thể giành được thắng lợi một cách tự nhiên. Mỗi lần như vậy, Càn Lòng đều cảm thấy rất thoải mái.
Tuy nhiên, Lưu Dung cũng khó tránh khỏi sai lầm. Một lần ông đã tính toán nhầm dẫn đến kết quả là đánh thắng Càn Long. Lúc này, thái thượng hoàng đã phản ứng tức giận hỏi Lưu Dung: "Nhà ngươi dám đánh thắng ta sao? Trẫm có thể giết nhà ngươi?"
Mặc dù tình huống này thực sự khiến người khác cảm thấy sợ hãi. Thế nhưng, với nhiều năm kinh nghiệm quan trường, lại rất giỏi ứng biển nên Lưu Dung không hề run rẩy. Ông quỳ xuống mặt đất, bình tĩnh đưa ra lời giải thích:
Vị quan họ Lưu hoá giải nguy cơ vô cùng khéo léo
"Thưa thái thượng hoàng, cả đời thái thượng hoàng phong lưu, phóng khoáng, đôn hậu, thương các lão thần, hậu đãi các lão thần. Chơi cờ chẳng qua là trò tiêu khiển lúc rỗi rãi mà thôi. Trí cao của thái thượng hoàng tung hoành ngàn dặm giang sơn, thi thố tài cao đời nào tranh giành thắng thua trên bàn cờ cỏn con này. Cho nên con mới dám cả gan thắng ngài. Đúng như con dự đoán thái thượng hoàng tỏ ra bực tức chẳng qua là để thử sự bạo dạn của con mà thôi".
Càn Long thấy Lưu Dung ca ngợi mình như vậy, lập tức cơn thịnh nộ tiêu tan, sắc mặt vui vẻ trở lại. Vì bàn cờ chỉ là “chuyện nhỏ”, ông không truy cứu mà còn ban thưởng cho Lưu khanh. Đoạn đối đáp này có thể được xem là kinh điển ghi dấu ấn khó quên trong ký ức khán giả.
Theo Văn Hóa Nghệ Thuật
theo nguồn https://2sao.vn/phim-c-aaj/
Video được xem nhiều nhất