Bạo lực học đường trong phim ảnh Hàn
So với trước đây, phim ảnh Hàn Quốc hiện tại có xu hướng phản ánh vấn đề bạo lực học đường dưới góc nhìn sâu sắc, nghiêm túc hơn.
Những năm gần đây, bạo lực học đường đã trở thành một trong những chủ đề được bàn tán nhiều nhất tại ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc.
2021 đánh dấu một năm đầy sóng gió của showbiz Hàn khi chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt ca sĩ, diễn viên nổi tiếng vướng cáo buộc bắt nạt bạn học trong quá khứ.
Hậu quả, một số ngôi sao phải tuyên bố dừng hoạt động. Các nhãn hàng, dự án phim, show giải trí họ hợp tác cùng chịu thiệt hại nặng nề về mặt thương mại và hình ảnh.
Hiện nay, ngày càng nhiều phim truyền hình, tác phẩm điện ảnh và talk show Hàn phân tích, thể hiện vấn đề bạo lực học đường dưới góc nhìn sâu sắc, nghiêm túc hơn. Mục đích chính của họ là nâng cao cảnh giác về mức độ nghiêm trọng và độ phổ biến của bạo lực trong trường học.
Thay đổi mới trong cách nhìn nhận
Đầu tháng 4, bộ phim truyền hình giả tưởng Tomorrow chính thức lên sóng. Bộ phim kể về nhóm thần chết cố gắng cứu giúp người có ý định tự tử.
Trong hai tập đầu tiên, Tomorrow tái hiện nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực học đường thông qua phân cảnh nhóm thần chết cứu sống biên kịch truyền hình Noh Eun Bi (Jo In thủ vai).
Tomorrow thể hiện nỗi đau của nạn nhân bạo lực học đường. Ảnh: MBC.
Noh cố gắng tự sát sau khi gặp lại Kim Hye Won (Kim Chae Eun thủ vai), họa sĩ truyện tranh nổi tiếng kiêm bạn học cũ của cô, trong một lần làm việc. Kim được công chúng biết đến nhờ bộ truyện tranh chỉ trích vấn nạn bạo lực học đường ở trường cấp 3. Tuy nhiên, trên thực tế, Kim là kẻ bắt nạt Noh thời đi học.
Noh bị Kim đe dọa. Sự xuất hiện của Kim khiến nỗi ám ảnh, tổn thương trong quá khứ quay lại giày vò Noh. Cảm giác yếu đuối, bất lực đẩy cô rơi vào tuyệt vọng. Cô nảy sinh ý định nhảy lầu tự vẫn. Nhiều khán giả dành lời khen ngợi cho cách Tomorrow thể hiện tâm trạng đau khổ, uất ức của nhân vật Noh Eun Bi khi bị bắt nạt.
Trên thực tế, việc ngành công nghiệp giải trí Hàn chỉ trích gay gắt bạo lực học đường là một sự thay đổi mới diễn ra gần đây.
Năm 2007, trên chương trình talk show Roundtable Plus, nam ca sĩ kiêm diễn viên Lee Ji Hoon tiết lộ anh gặp nam ca sĩ Kangta (H.O.T) trong trận đánh nhau trên trường. Chia sẻ của anh được người dẫn chương trình đón nhận như một điều hài hước.
Tuy Lee không nói anh bắt nạt bạn học, nam ca sĩ thoải mái kể chuyện anh đánh nhau với học sinh trường khác, lấy đồ của bạn cùng lớp để đùa giỡn và cách học sinh tự phân cấp nhau trong trường học. Lee nói đùa rằng đây chính là sự thật về trường cấp 3 trong quá khứ.
Trên thực tế, một số phim truyền hình đề cập tới bạo lực học đường mà không lên án vấn đề. Bộ phim hài đình đám A Gentlemans Dignity lên sóng năm 2012 nhắc đến bắt nạt tại trường học ở một số tập và gọi đây là "bước cần thiết trong quá trình trưởng thành".
Tuy School 2013, một phần phim trong series School đình đám do KBS sản xuất, không coi nhẹ hành vi phạm pháp của trẻ vị thành niên, tác phẩm vô tình biện minh rằng hành động này xuất phát từ môi trường sống nghèo nàn, cảm giác mong mỏi được người lớn thấu hiểu.
Bạo lực học đường là hành vi không thể bào chữa
Quan điểm có phần khoan dung, khiên cưỡng về bạo lực học đường trong quá khứ hiện đã bị thế chỗ. Ngày nay, thông qua tác phẩm nghệ thuật, các nhà sản xuất nội dung giải trí khẳng định mọi hình thức bạo lực, bắt nạt tại trường học đều không thể chấp nhận được.
Trong bộ phim kinh dị ăn khách All Of Us Are Dead, bắt nạt là lý do duy nhất dẫn đến sự bùng phát của virus zombie, qua đó truyền tải thông điệp "bạo lực do trẻ vị thành niên gây ra có thể dẫn đến thế giới loạn lạc".
Loạt tác phẩm Tòa Án Vị Thành Niên, Taxi Driver, I Want To See Your Parents Face diễn tả sự thật trần trụi về tấn công tình dục, tội phạm vị thành niên và quấy rối trong trường học.
Phim truyền hình Hàn Quốc phản ánh tình trạng bắt nạt, quấy rối tình dục tại trường học. Ảnh: Naver.
Chia sẻ với The Korea Herald, nhà phê bình văn hóa Kong Hee Jung cho rằng trong phim truyền hình ra mắt ngày xưa, thanh thiếu niên phạm pháp thay đổi đáng kể theo hướng tích cực sau khi gặp người giáo viên tốt. Ngược lại, các dự án phát hành gần đây có xu hướng miêu tả bạo lực học đường một cách thẳng thắn.
"Chẳng hạn, Tòa án vị thành niên nói về lý do cần có hình phạt nghiêm khắc, cũng như cách hành vi sai trái hủy hoại cuộc đời của học sinh trẻ tuổi", Kong nói.
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jung Duk Hyun tin rằng công chúng ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho thanh thiếu niên. Kết quả, nhà sáng tạo nội dung bắt đầu tập trung hơn vào vấn đề học đường.
"Trước đây, đài truyền hình, công ty sản xuất phim ảnh Hàn Quốc chỉ nói về ước mơ và sự lãng mạn khi thể hiện hình ảnh lứa tuổi thanh thiếu niên. Hiện tại, họ dần chú ý hơn đến vấn đề thực tế xung quanh học sinh như bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng, tội phạm vị thành niên và sử dụng chất kích thích", Jung nhận xét.
Hai nhà phê bình đồng ý rằng sự phát triển của dịch vụ OTT đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác, phản ánh những vấn nạn xã hội bị nhiều khán giả coi là "quá phản cảm" để phát sóng trên truyền hình.
"Một số người lo rằng trình chiếu nội dung như vậy trên sóng truyền hình địa phương có thể quá phản cảm, bạo lực với người xem nhỏ tuổi. Tuy nhiên, nhiều khán giả đồng ý rằng những câu chuyện này cung cấp cái nhìn chân thực, quan trọng về xã hội ngày nay cho thanh thiếu niên, đồng thời cảnh báo người lớn rằng đây là vấn đề cần được quan tâm", Kong nói.
Thông qua nội dung giải trí, có thể dễ dàng quan sát thấy sự phẫn nộ của công chúng dành cho bạo lực học đường trên Internet và ngoài đời thực. Tuy nhiên, theo Noh Yoon Ho - luật sư chuyên về bạo lực học đường và bắt nạt - cảm xúc thực sự của học sinh về vấn đề này còn là câu hỏi chưa được giải đáp.
"Tôi nhận ra rằng đôi khi, nhiều học sinh phớt lờ sự tồn tại của bạo lực học đường. Họ sợ mình trở thành nạn nhân, hoặc vô tình dính líu đến vụ việc. Ngay cả bậc cha mẹ cũng tách con cái họ ra khỏi vấn đề này, lo lắng kết quả học tập của con có thể bị ảnh hưởng", Noh chia sẻ với The Korea Herald.
Bạo lực học đường được miêu tả một cách thẳng thắn hơn so với ngày xưa trong phim ảnh Hàn Quốc. Ảnh: Naver.
Noh tin rằng các phương tiện truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực học đường, nhưng hành vi bắt nạt, phạm pháp ở trẻ vị thành niên chỉ có thể được ngăn chặn khi người lớn đồng cảm với nạn nhân, và khi học sinh không còn là người chỉ đứng ngoài quan sát.
Theo Zing
theo nguồn https://2sao.vn/phim-c-aaj/
Video được xem nhiều nhất