Vì sao chúng ta mong muốn sự công nhận?
Có thể bạn đã biết, nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow từng xây dựng thuyết nhu cầu Maslow nổi tiếng, thể hiện sự phân cấp những nhu cầu của con người từ thấp đên cao. Tháp Maslow được phân thành 5 nhu cầu, trong đó những nhu cầu cao hơn sẽ được thoả mãn khi nhu cầu thấp hơn được đáp ứng. Cụ thể:
Nhu cầu về sinh lý: ăn uống, ngủ nghỉ,…
Nhu cầu về sự an toàn: an toàn tính mạng, an toàn về tài sản, an toàn về tâm lý,…
Nhu cầu về xã hội: được yêu thương và quan tâm, được kết nối và tham gia vào tập thể,…
Nhu cầu được tôn trọng, công nhận: mong muốn được mọi người công nhận và tôn trọng, sức ảnh hưởng,…
Nhu cầu thể hiện bản thân: Nhu cầu cao nhất, hướng đến việc phát triển bản thân để trở thành người có địa vị, nắm quyền lực trong tập thể, xã hội,…
Ai cũng mong muốn nhu cầu của mình được đáp ứng ở mức tối đa. Và nhu cầu được công nhận cũng không ngoại lệ. Thế nhưng để được nhiều người công nhận, dĩ nhiên chúng ta phải đạt được những điều mà người khác coi là “chuẩn mực”.
Có những khi “chuẩn mực” của người khác cũng là điều chúng ta đồng ý. Cũng có những khi “chuẩn mực” của người khác chúng ta không hoàn toàn đồng tình, nhưng vẫn cố chạy theo tiêu chuẩn của họ chỉ để mình được công nhận. Nhiều người trong chúng ta đề cao quan điểm của người khác mà xem nhẹ chính kiến của bản thân.
Có những người bằng mọi giá đạt được một địa vị trong tập thể chỉ để thoả mãn nhu cầu được công nhận mình thành công, có những người luôn thể hiện cuộc sống của mình rất hoàn hảo trên mạng xã hội chỉ để được người khác công nhận mình hạnh phúc.
Ta sống trong sự lo lắng thường trực không biết người khác có công nhận điều mình làm, mà quên mất tự công nhận giá trị của bản thân. Cứ thế, nhiều người đã sống cuộc đời của người khác mà quên mất điều mình thực sự muốn làm, cuộc sống mà mình thực sự muốn có.
Đó chính là khi nhu cầu công nhận trở thành nỗi ám ảnh, và nó không còn khiến con người hạnh phúc.
4 dấu hiệu khao khát sự công nhận không lành mạnh
Nếu như thấy mình có những dấu hiệu dưới đây, bạn đang có tâm lý phụ thuộc vào sự công nhận của người khác và tự ti về bản thân mình:
Không đủ can đảm để nói lời từ chối
Người không đủ can đảm để từ chối sẽ không biết cách nói “Không” và luôn nói “Có” trong mọi trường hợp, bất kể bản thân họ có dễ chịu và sẵn sàng thực hiện yêu cầu của người khác hay không. Xu hướng này nhiều khi không hoàn toàn là mong muốn được giúp đỡ, làm việc có ích với người khác mà còn xuất phát từ nhu cầu được công nhận quá lớn.
Tuy nhiên, việc chiều theo người khác quá đà không giúp bạn được công nhận mà khiến tinh thần và sức lực của bạn sụt giảm trước tiên. Hơn nữa, việc thuận theo mọi quan điểm của người khác sẽ càng khiến hình ảnh của bạn thêm nhu nhược, thiếu chính kiến trong mắt mọi người. Vì thế, trong những trường hợp nhất định, bạn hãy biết nói lời từ chối để thiết lập ranh giới và khẳng định giá trị bản thân mình.
Đưa ra quyết định dựa trên ý kiến của người khác
Đó chính là những người không đủ tự tin để đưa ra lựa chọn của riêng mình, mà hầu như mọi quyết định đều dựa trên quan điểm của người khác, góc nhìn của người khác. Dĩ nhiên, tham khảo những quan điểm khác là điều nên làm nhưng không nên vì thế mà đánh mất đi khả năng tự nhìn nhận của chính mình. Đây chính là dấu hiệu của việc không tự tin vào bản thân và mong muốn được đồng thuận, công nhận.
“Nghiện” chỉ trích hoặc hạ bệ người khác sau lưng
Đôi khi, việc “vạch lá tìm sâu” để “sửa lưng” người khác xuất phát từ ý tốt muốn giúp họ hoàn thiện hơn. Nhưng nhiều khi, tâm lý “nghiện” soi mói, chỉ trích người khác cũng xuất phát từ nhu cầu được công nhận bản thân. Phê phán và chê bai người khác khiến bạn cảm thấy mình hoàn hảo và giỏi giang hơn người, khiến người xung quanh công nhận khả năng của bạn. Khi sự chỉ trích ở mức độ nghiêm trọng hơn, bạn sẽ sẵn sàng hạ bệ hoặc dựng chuyện về người khác sau lưng họ chỉ để thoả mãn sự “hơn người” của chính mình.
Nên nhớ, giá trị bản thân bạn không quyết định bởi sự công nhận của người khác
Có một câu chuyện như thế này:
Có cậu học trò nọ được người thầy là một hoạ sĩ tài hoa truyền thụ lại cho rất nhiều kiến thức quý báu. Một ngày, người thầy gọi cậu tới và nói rằng ông đánh giá rất cao năng lực của cậu.
“Giờ là lúc con thực hiện bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con là một hoạ sĩ thực sự tài năng. Hãy vẽ một bức tranh mà ai cũng phải khen ngợi”.
Cậu học trò nghe vậy bèn dồn toàn bộ tâm huyết và sức lực nhiều ngày đêm để vẽ nên một bức tranh mà theo cậu là tuyệt vời nhất trong sự nghiệp sáng tác. Người thầy xem qua và bảo tiếp:
- Con hãy đem bức vẽ này đặt ở quảng trường để mọi người chiêm ngưỡng. Ở bên dưới tranh hãy đề rằng: “Tác giả rất biết ơn nếu ai đó có thể chỉ ra sơ suất trên tranh bằng cách đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó”.
Cậu học trò tiếp tục làm theo lời thầy. Thế nhưng chuyện không ngờ đã xảy ra.
Chỉ sau 2 ngày, cậu sửng sốt và buồn bã khi mang về bức tranh chi chít những dấu X. Cảm giác chán nản và thất vọng khiến cậu gần như muốn bỏ cuộc.
Song, người thầy bình thản khuyên cậu nên bình tâm lại và vẽ thêm một bức tranh nữa với toàn bộ sức lực. Nhưng lần này, ông bảo:
“Con hãy để thêm màu vẽ và bút vẽ bên cạnh bức tranh mới này ra quảng trường, đồng thời bổ sung thêm một dòng nữa dưới tranh rằng: “Đề nghị mọi người tìm ra chỗ sai - hãy sửa chúng lại bằng những dụng cụ vẽ đặt bên cạnh”.
Vậy là cậu học trò lại miệt mài sáng tác tác phẩm mới với thật nhiều nỗ lực. Sau 2 ngày đặt bức tranh mới tại quảng trường, cậu đã không tin nổi vào mắt mình khi thấy tác phẩm không hề bị sửa gì cả. Cậu vui sướng ôm bức vẽ tới khoe với người thầy.
Thầy điềm đạm trả lời:
- Sau 2 lần đặt tranh chốn đông người, con đã thành công. Thầy hy vọng con sẽ hiểu rằng, chỉ giỏi chuyên môn thôi chưa đủ, mà còn nên nhớ con người thường đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội – cho dù họ chẳng biết gì về điều đó. Ở bức tranh đầu tiên, mọi người thi nhau đánh dấu X lên đó đơn giản chỉ vì họ không cần trách nhiệm gì khi làm việc đó. Còn ở bức tranh thứ 2 – khi con đề nghị họ sửa những chỗ họ cho là lỗi – thì chẳng ai làm nữa. Bởi đó là việc khó khăn, thậm chí họ cũng có thể chẳng có năng lực và kiến thức để sửa chúng, nên họ cho rằng cứ tránh đi thì hơn.
Bạn có thấy không, phần đông mọi người thường thích đánh giá những thứ họ trông thấy dù có thể họ chẳng biết gì về chúng cả. Vì thế, những thứ bạn đã vất vả làm được - đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi người khác. Nếu để giá trị của mình phụ thuộc vào đánh giá của đám đông, bạn sẽ mãi thất vọng. Hãy tự công nhận bản thân mình, trước khi chờ đợi được người khác công nhận.
Cẩm Mịch
Video được xem nhiều nhất