4 điều khiến “Em Gái Mưa” bản điện ảnh trở nên câu chuyện thanh xuân hời hợt và thiếu chiều sâu
Lần đầu tiên ở Việt Nam có một bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ MV ca nhạc, đáng tiếc "Em Gái Mưa" lại mang tới cảm giác khiên cưỡng và những thất vọng không nhỏ cho khán giả.
- "Nếu còn có ngày mai": Sam tủi hờn vì phải tự hoá thành "em gái mưa", nhìn người yêu đi sang bến khác
- “Người Đàm Phán”: Dù tình trẻ có “em gái mưa”, Dương Mịch vẫn không ghen!
- Hương Tràm xúc động khi hát "Em gái mưa" cùng đàn chị Thu Phương
- Huỳnh Lập: "Em gái mưa" và chuyện chưa kể về chàng nghệ sĩ trẻ đơn độc trên hành trình của chính mình
Làm lại từ một MV đình đám, Em Gái Mưa phiên bản điện ảnh gây rất nhiều tò mò cho khán giả ngay từ những ngày đầu tiên công bố dự án. Vẫn khai thác câu chuyện tuổi thanh xuân mơ mộng, những rung động đầu đời của cô học trò nhỏ với giáo viên thực tập nhằm tận dụng hơn 100 triệu view của MV cùng tên. Đáng tiếc bộ phim lại không khác gì phần ngoại chuyện, nhồi nhét thêm rất nhiều chi tiết nhưng chẳng có chi tiết nào được giải quyết triệt để.
Kịch bản "nhẹ tênh", lê thê và thiếu điểm nhấn
Lấy cảm hứng từ MV cùng tên của Hương Tràm, được lồng khá nhiều câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình,… những tưởng Em Gái Mưa sẽ là một kịch bản có sức nặng, ai ngờ, lại là một câu chuyện "nhẹ tênh" và thật sự dài dòng.
Em Gái Mưa bản điện ảnh lồng ghép khá nhiều chi tiết hay ho
Nội dung phim xoay quanh hai nhân vật chính đã quá nổi tiếng trong MV cùng tên: thầy giáo thực tập Minh Vũ (Mai Tài Phến) và cô nữ sinh 17 tuổi Hà Vy (Thùy Linh). Vũ đúng chuẩn soái ca năm 2000 trong truyền thuyết với mái tóc bổ luống huyền thoại, má núm đồng niền, vẻ ngoài lạnh lùng nhưng nội tâm ấm áp. Vy là một cô nữ sinh rất đỗi bình thường, nhan sắc không nổi trội, học lực cũng chẳng xuất sắc, lại rất mơ mộng, ngây ngô và có ước mơ trở thành một nhà văn nổi tiếng.
Cô nàng đúng chuẩn nữ chính trong những bộ phim ngôn tình học đường, say nắng, "crush" điên cuồng "thiên thần mưa" Minh Vũ. Điều này đã khiến Vũ vô tình rơi vào tình huống khó xử bởi cô giáo thực tập Thảo Ly (Phương Anh Đào) – một người bạn thân "nối khố" cũng đem lòng thương Vũ suốt 10 năm qua. Lại thêm chuyện đạo đức nghề nghiệp được đả động khi mẹ Vy (Việt Hương) và thầy phó hiệu trưởng (Trung Dân) xuất hiện, hết lần này đến lần khác ngăn cấm tình cảm chưa đặt tên của Vũ.
Phim xuất hiện thêm một vài nhân vật mới với tác dụng làm rào cản cho chuyện tình Vy - Vũ
Biên kịch cố gắng kéo dài hết mức có thể bằng việc khai thác sâu hơn những căng thẳng, xung đột trong quan niệm yêu đương giữa người trưởng thành và lứa tuổi mới lớn. Cài cắm những chi tiết về gia đình Vũ và lí giải về sự xuất hiện của Thảo Ly, lồng ghép những phân cảnh về lứa tuổi học trò đầy mơ mộng để bộ phim… đủ thời lượng.
Biên kịch cố gắng cài cắm những chi tiết mới
Nội dung phim khá đơn giản nhưng nhịp phim lại cứ thế được kéo dài lê thê, phải công nhận những chi tiết mới được cài cắm đều khá hay ho, đáng tiếc chẳng có chi tiết nào được giải quyết triệt. Thực chất, phim ôm đồm quá nhiều tuyến ngoại truyện khác nhau nên với thời lượng 102 phút thì khó có thể làm hài lòng khán giả. Phim có một vài cú twist khá bất ngờ như chuyện thời trẻ của mẹ Vy, tình cảm của Thảo Ly nhưng sau hai phân cảnh có vẻ đẫm nước mắt ở giữa phim thì hai người gần như không còn sức ảnh hưởng. Khán giả ngậm ngùi, giá mà đạo diễn cứ xoáy sâu hơn nữa vào những chi tiết này thì bộ phim hẳn đã mang một ấn tượng khác.
Giá mà đạo diễn xoáy sâu thêm vào chuyện gia đình Vy thì có lẽ bộ phim đã mang một ấn tượng khác
Đã vậy, xuyên suốt phim tình cảm giữa Minh Vũ và Hà Vy cũng không được phát triển một cách trọn vẹn. Chẳng thà là cứ là chuyện tình đơn phương của Vy như trong bản gốc thì có khi phim lại hay ho hơn. Đằng này, Vũ cứ dây dưa, lằng nhằng, lúc nóng, lúc lạnh, khi tàn nhẫn, lúc lại ân cần quan tâm. Thà Vũ ừ đại với Vy hoặc Ly thì có phim chuyện phim lại "nên cơm nên cháo".
Minh Vũ gây khó chịu cho khán giả bởi sự dùng dằng, ỡm ờ trước tình cảm của hai cô gái
Những chi tiết được lồng ghép khiên cưỡng
So với MV triệu view của Hương Tràm, phim không hoàn toàn lệ thuộc, cũng có những ý tứ riêng nhưng đáng tiếc lại được lồng ghép một cách khá khiên cưỡng. Điển hình như chi tiết về cô em gái ruột đã mất của thầy giáo mưa. Đoạn đầu của bộ phim, hình ảnh một cô bé tóc dài thướt tha với nụ cười rạng rỡ liên tục xuất hiện trong đầu Vũ khiến khán giả chắc củ đây đích thị là mối tình đầu đầy tiếc nuối của anh chàng. Đến gần giữa bộ phim khán giả mới tá hỏa vì ăn một cú lừa thật ngoạn ngục, hóa ra đó là em gái ruột của Vũ, đã mất tròn 5 năm vì căn bệnh hiểm nghèo.
Chi tiết về cô em gái đã mất của Minh Vũ được lồng ghép một cách khá khiên cưỡng
Thực chất, việc lồng ghép thêm nhân vật cô em gái ruột của Vũ chỉ để "hợp thức hóa" nhan đề phim "em gái mưa" nhưng lại vô tình khiến người anh trở thành một dạng sister complex (cuồng em gái). Vốn dĩ, bộ phim có thể đổi tên thành "học trò mưa", đại loại vậy nhưng vì dựa theo nội dung ca khúc nên buộc lòng phải cài cắm một chi tiết thú vị nào đó để người xem hiểu về nguồn gốc tình cảm anh trai – em gái. Đã vậy, Kể cả những chi tiết kết nối hai tâm hồn Vy – Vũ như niềm đam mê khinh khí cầu, đồng cảm về gia đình cũng không đủ sức thuyết phục khán giả. Kết quả mang lại cho khán giả cảm giác như ekip đang "cố đấm ăn xôi".
Không khai thác tối đa về bối cảnh
Em Gái Mưa có bối cảnh chính ở Đà Lạt nhưng khán giả cứ ngỡ bộ phim được quay ở một vùng đất xa lạ nào đó với những cảnh tượng bị bình thường hóa, mất hết cái chất Đà Lạt mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng đem tới trong Tháng Năm Rực Rỡ.
Bối cảnh Đà Lạt không thực sự ấn tượng trong Em Gái Mưa
Đã vậy, phim còn lạm dụng khá nhiều hiệu ứng xóa phông thường thấy trong các MV ca nhạc kèm màu phim như được chỉnh bằng app B612 để tạo cảm giác năm xưa cũ. Thực chất, những bộ phim đình đám như Cô Ba Sài Gòn hay Tháng Năm Rực Rỡ đâu có cần phải tác động quá nhiều vào màu phim nhưng vẫn mang đến cho khán giả một cảm giác rất retro. Việc lạm dụng hiệu ứng quá nhiều đôi khi khiến bộ phim như được phủ lên một lớp sương mù mờ ảo khiến khán giả phải trau mày khó chịu.
Bối cảnh trường học, nhà sách, sạp báo với những tấm poster Đang Trường,… phần nào cứu vãn phần hình của bộ phim. Tuy nhiên nếu vẫn không thể ẩn tượng bằng bối cảnh học đường của Tháng Năm Rực Rỡ (lại so sánh).
Và những hạt sạn lẽ ra không thể có
Nếu để ý kĩ khán giả sẽ thấy trong phim có một vài chi tiết đậm chất… "xuyên không". Phim lấy bối cảnh năm 2000 nhưng hình ảnh dán trên bịch bánh cốm của Mạnh Hiếu (Hồng Thanh) lại là bìa album Vút Bay phát hành năm 2006 của Mỹ Tâm. Không lẽ chị đẹp xuyên không về quá khứ để quảng bá album?!
Theo logic thì cảnh Vũ và em gái đến thăm cây ước nguyện Đà Lạt lấy bối cảnh khoảng năm 1995 (5 năm trước khi Vũ trở thành thực tập sinh) thế nhưng cây ước nguyện Đà Lạt lại được hình thành vào những năm đầu 2000.
Cây ước nguyện này nhìn có vẻ… lạ lạ
10 năm sau, tức là năm 2010, hội bạn của Vy gặp lại nhau ngay tại đường sách Sài Gòn, tuy nhiên đường sách này lại khai trương vào năm 2016.
Tạm bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt, chi tiết lớn hơn cả, ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện tình Vy – Vũ là lễ hội khinh khí cầu ở cuối phim. Lễ hội này lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam là vào năm 2012, không lẽ hai thầy trò xuyên không đến năm 2012 để nói với nhau đôi ba lời sướt mướt?! Mang tiếng là cảnh quay dùng khinh khí cầu đầu tiên ở Việt Nam thế nhưng sự đầu tư công phu lần này có vẻ phản tác dụng mất rồi!
Thêm nữa, hiệu ứng chuyển cảnh giữa quá khứ và hiện tại phân đoạn Vũ nhớ về người em đã mất cũng khiến khán giả thật sự… nhức mắt.
Lễ hội khinh khí đầu lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam vào năm 2012 cơ Vy ơi!
Vẫn phải công nhận sự nỗ lực rất lớn của những người trẻ để có thể cho ra đời Em Gái Mưa bản điện ảnh. Phim có khá nhiều khuyết điểm nhưng có lẽ nó chỉ dành cho một vài đối tượng khán giả nhất định, đặc biệt là học sinh cấp 3.
Phim hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.
Theo Lệ/Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất