2015 - Năm "xui" cho các show thực tế dành cho trẻ em

Kênh 14 - 31/12/2015, 08:18

Gameshow cho thiếu nhi liên tục bùng nổ trong những năm vừa qua như một món ăn tinh thần mới lạ cho khán giả nhí lẫn các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, những chương trình này lại liên tục sa sút phong độ trong năm 2015 vừa qua.

Chưa khi nào, những chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi lại "nở rộ" trên sóng truyền hình như trong hai năm trở lại đây. Có thể điểm qua những chương trình dành cho thiếu nhi tạo nên cơn sốt ngay từ khi lên sóng như: "Giọng hát Việt nhí", "Bước nhảy hoàn vũ nhí", "Gương mặt thân quen nhí", "Bố ơi! Mình đi đâu thế?"...

 

Những chương trình thực tế này không chỉ là nơi để phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho các em thiếu nhi mà còn là sân chơi để các bé bộc lộ tài năng và thỏa mãn ước mơ của bản thân lẫn bố mẹ. Trên thực tế, những chương trình này chỉ tạo được sức hút và sự rầm rộ ở một đến hai mùa đầu tiên và bắt đầu có dấu hiệu "đi xuống" khi tiếp tục kéo dài.

Giọng hát Việt nhí

Điểm mặt một trong những chương trình nhận được sự kì vọng nhiều nhất từ khán giả lẫn ban tổ chức là chương trình "Giọng hát Việt nhí". Ngay từ mùa giải đầu tiên lên sóng vào năm 2013, "Giọng hát Việt nhí" đã tạo được tiếng vang và sức hút "khủng" với các bé lẫn các bậc phụ huynh. Đây là chương trình được mua format đình đám đã lan rộng ở khắp các nước như: Mỹ, Anh, Đức, Ý, Trung Quốc… Không chỉ thế, chương trình còn mang tính cạnh tranh hấp dẫn lẫn học hỏi lành mạnh cho những tài năng nhí đang ấp ủ giấc mơ ca hát. Bộ sậu ban giám khảo mùa đầu tiên của "Giọng hát Việt nhí" đều là những gương mặt ca nhạc sĩ đảm bảo cả về chuyên môn lẫn tính giải trí: ca sĩ Hiền Thục, ca nhạc sĩ Thanh Bùi, bộ đôi ca nhạc sĩ Lưu Hương Giang và Hồ Hoài Anh.

 

 

"Giọng hát Việt nhí" mùa đầu tiên thật sự bùng nổ với những cái tên như: Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Ngọc Duy... tạo tiền đề cho những chương trình thiếu nhi nở rộ trên sóng truyền hình

Hội đủ những yếu tố cuốn hút nên các bậc phụ huynh từ Bắc chí Nam đều không ngại đường xá xa xôi đưa con mình đến với "Giọng hát Việt nhí" và mong muốn cho bé được thể hiện tài năng trên sân khấu lớn, trên sóng truyền hình. Có lẽ, do là mùa đầu tiên nên "Giọng hát Việt nhí" thu hút vô số anh tài nhỏ tuổi. Mỗi vòng thi lại càng kịch tính hơn với phần tranh tài của các bé trong sự huấn luyện nghiêm túc và dàn dựng tiết mục công phu. Các em nhận được sự yêu mến từ công chúng và những lời mời chạy show ngay từ khi chưa kết thúc chương trình.

Chính những yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" này đã giúp "Giọng hát Việt nhí" trở thành chương trình hot nhất năm 2013 và được mong chờ ở năm 2014. Bước sang mùa 2, "Giọng hát Việt nhí" vẫn giữ được phong độ dù có vài thay đổi nhỏ. Bộ tứ giám khảo quyền lực có 2 sự thay đổi nhưng vẫn là những tên tuổi đáng mong chờ: ca sĩ Cẩm Ly, ca sĩ Lam Trường. Sức nóng của chương trình vẫn duy trì ổn định đến đêm chung kết với chiến thắng của cô bé Thiện Nhân.

 

Mùa hai của "Giọng hát Việt nhí " vẫn rất sôi động với sự đăng quang của bé Thiện Nhân

Trải qua hai mùa giải thành công, bước sang năm 2015, "Giọng hát Việt nhí" có vẻ dần đuối sức. Ngay từ vòng giấu mặt, khán giả đã không còn quá hào hứng vì không có nhiều nhân tố mới, bất ngờ. Không có thí sinh nhí nào khiến họ phải hồ hởi phấn khích khi cất giọng như những tài năng ở các mùa trước đã làm được. Với tốc độ sản xuất và sự nở rộ quá nhiều chương trình tìm kiếm tài năng, dường như các nhân tố lạ đã dần cạn kiệt.

Đến mùa giải thứ ba thì "Giọng hát Việt nhí" đã mất hẳn phong độ lẫn độ hot

Gương mặt thân quen nhí

Một chương trình khác cũng tạo được sự chú ý không thua kém "Giọng hát Việt nhí" là "Gương mặt thân quen nhí". Nếu "Giọng hát Việt nhí" là sân chơi để tìm ra những giọng hát thiên thần thì "Gương mặt thân quen nhí" lại là nơi để các bé phát huy thêm sở trường diễn xuất. Với luật chơi mỗi tuần bóc thăm một nhân vật nổi tiếng, các bé sẽ có một huấn luyện viên là một nghệ sĩ nổi tiếng cùng luyện tập và hỗ trợ nhằm có được phần trình diễn sao cho giống với nhân vật bốc thăm nhất.

Tuy nhiên, ngay mùa đẩu tiên, "Gương mặt thân quen nhí" lại không thành công mong đợi như phiên bản người lớn. Đến mùa thứ 2, "Gương mặt thân quen nhí" tiếp tục diễn ra khá nhạt nhòa. Nhiều người đặt dấu chấm hỏi nguyên nhân khiến chương trình này giảm sức hút trong khi chỉ mới 2 mùa giải ngắn ngủi vừa trôi qua. Cũng giống như "Giọng hát Việt nhí", mô tuýp không còn mới mẻ, sức cạnh tranh kém dễ đưa show đi vào ngõ cụt.

 

"Gương mặt thân quen nhí" mùa ba cũng không tạo được tiếng vang và giảm nhiệt hơn hẳn

Các vòng thi giờ đây có vẻ đi xa phiên bản gốc, vì yêu cầu bắt chước sao cho giống là một điều quá phức tạp ngay với cả người lớn chứ chưa nói gì đến trẻ con. Dường như các bé phải chịu một guồng công việc quá lớn, quá sức.

Bước nhảy hoàn vũ nhí

"Bước nhảy hoàn vũ nhí" ra đời theo chân "Bước nhảy hoàn vũ" dành cho người lớn. Với chương trình này, mục tiêu đề ra vẫn là sân chơi cho các tài năng nhí nhưng ở lĩnh vực nhảy múa. Ngay từ khi ra đời, chương trình đã thu hút khá nhiều bạn nhỏ có năng khiến ở lĩnh vực này mà chưa có đất dụng võ đến tham gia dự thi. Tuy nhiên điểm khác biệt chính là "Bước nhảy hoàn vũ" có yếu tố người nổi tiếng còn "Bước nhảy hoàn vũ nhí" thì không, mặc dù BTC đã cố gắng "câu kéo" nhiều sao hot vào vị trí HLV.

 

 

Là sân chơi ở lĩnh vực nhảy múa, "Bước nhảy hoàn vũ nhí" cũng không tìm được hướng đi mới cuốn hút khán giả sau 2 mùa giải

Nhìn ở mặt tích cực, qua mỗi vòng thi, khán giả phải trầm trồ trước sự nỗ lực và sự tiến bộ không ngừng của các bé. Chỉ trong thời gian ngắn, các bé có thể tập luyện thông thạo quá nhiều điệu nhảy mà người lướn còn phải đau đầu. Chưa kể đến yêu cầu kết nối các động tác đó lại thành một bài múa hoàn chỉnh và truyền cảm xúc vào nó.

Vẫn theo lối mòn cũ, "Bước nhảy hoàn vũ nhí" bước sang năm 2015 cũng "xịt" nhanh chóng. Bởi tài năng ca hát đã hiếm, đối với nhảy múa còn ít hơn. Không như ca hát cần năng khiếu, nhảy múa còn cần cả quá trình tập luyện. Chương trình từ sân chơi dành cho tất cả các bạn nhỏ lại biến thành nới khoe tài của những thí sinh đến từ các vũ đoàn hay các trung tâm luyện nhảy.

Người hùng tí hon

"Người hùng tí hon" vừa lên sóng mùa đầu tiên đã không thành công như kì vọng. Dù thu hút sự tham gia của khá nhiều em nhỏ ở những độ tuổi khác nhau, khuyến khích các bé thể hiện những năng khiếu đa dạng như: hát, múa, diễn kịch, xiếc... nhưng show gặp quá nhiều hạn chế khiến các em chưa thực sự bùng nổ.

Đầu tiên, chương trình chỉ được phát trên đài THVL, khá khó khăn cho khán giả cả nước theo dõi. Kế đó, cấu trúc phức tạp và luật chơi khá rối rắm cũng khiến nhiều người không hiểu khi theo dõi. Cuối cùng, do là năm đầu thực hiện, nguồn "nhân tài" tham gia cuộc thi cũng chưa có nhiều nhân tố xuất sắc.

 

Sở hữu nhiều tài năng ở các lĩnh vực khác nhau như: Ku Tin, cặp đôi nghệ sĩ xiếc nhỏ tuổi Minh Quang - Minh Nhựt... "Người hùng tí hon" vẫn khó tạo ra chỗ đứng riêng

Bố ơi! Mình đi đâu thế?

"Bố ơi! Mình đi đâu thế?" được mua bản quyền từ Hàn Quốc khi dựng thành phiên bản Việt Nam cũng không bùng nổ đúng như kỳ vọng. Với sự tham gia của bốn cặp bố con nổi tiếng của showbiz Việt cùng những khám phá trên từng chặng hành trình đáng lẽ sẽ mang đến nhiều thích thú cho khán giả. Tuy nhiên, phiên bản Việt lại chưa mang lại nhiều cảm xúc như các phiên bản khác từng làm được.

Tuy nhiên dù nhiều khán giả vẫn thích mùa 1 hơn mùa 2, "Bố ơi! Mình đi đâu thế?" vẫn là một trong những show truyền hình được quan tâm, yêu thích nhất hiện nay. Show vượt ra khỏi format tìm kiếm tài năng thông thường, được phát trên Đài truyền hình quốc gia, có sự tham gia của các nam nghệ sĩ nổi tiếng, đậm tính thực tế khi bộc lộ được tính cách người chơi. Chương trình cũng tìm ra được nhiều em nhỏ đáng yêu, hài hước như Bờm, Bi...

 

"Bố ơi! Mình đi đâu thế?" dù thành công ở các nước nhưng vẫn không gây ấn tượng với khán giả Việt

Không thể phủ nhận những nỗ lực của nhà đài và các công ty truyền thông trong việc cải tiến và đưa nhiều chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi trong những năm qua. Và cũng khó thể bỏ qua những thành công về giá trị vật chất lẫn tinh thần mà các gameshow này mang đến cho các bé. Nhưng một món ăn được trưng bày cần có sự tiết chế, chuẩn bị kỹ lưỡng. Chất lượng và sự hấp dẫn cần ngày một tăng lên chứ không thể dậm chân tại chỗ. Bởi trước sự cạnh tranh gay gắt hiện nay trên mặt trận TV Show, dậm chân tại chỗ đồng nghĩa với thất bại.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất