10 phim về người chuyển giới đáng xem nhất
Trước khi The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch) gây tranh cãi quanh cái chết của người đàn ông chuyển giới đầu tiên sau ca phẫu thuật, điện ảnh quốc tế nhiều lần phác họa đa diện về thân phận người chuyển giới.
Dễ thấy sau nhiều thập niên đi cùng đời sống xã hội, theo sát mọi biến chuyển phức tạp của con người, hàng trăm bộ phim xoay quanh các câu chuyện giới tính ra đời, mà trong đó, những nhân vật chuyển giới là vai chính tuy chỉ chiếm thiểu số, nhưng đủ khiến xã hội xót xa.
Dưới đây là danh sách 10 phim về người chuyển giới hay nhất tổng hợp từ bình chọn của Viện phim Anh, Sundance và IMDB:
1/ In a year of 13 moons, 1978
Cảnh trong phim In a Year of 13 Moons - Ảnh: Tango-Film |
Tác phẩm có nguồn gốc ra đời khá bị kịch: sau cái chết của người yêu đồng giới, đạo diễn Rainer Werner Fassbinder thực hiện bộ phim như một lời tưởng niệm. Các nhân vật trong In a year of 13 moons đều lạc lối, như Elvira đến Casablanca để chuyển giới chỉ vì câu nói của bạn đời: “Nếu em là phụ nữ, anh sẽ yêu em hơn”.
Phần sau của phim mô tả những khốn khó mà Elvira gặp phải giữa lúc trật tự xã hội còn lộn xộn, kỳ thị sắc tộc và chống đối đồng tính còn đầy rẫy… Phim là bức tâm thư dành cho nhiều người đồng giới mưu cầu hạnh phúc một cách cực nhọc, hoặc đánh đổi, hoặc mất tất cả.
2/ Ma vie en rose, 1997
Diễn viên nhí Georges Du Fresne chỉ đóng duy nhất một phim - Ảnh: Canal+ |
Đúng như nhan đề - Cuộc đời màu hồng, bộ phim của Alain Berliner truyền cảm hứng và niềm tin bằng cách nhìn đời bao dung, gần gũi. Ludo, cậu bé luôn miệng tự nhận với mọi người mình là… con gái, qua ăn mặc, bằng hành động: soi gương đánh môi son, đeo bông tai, vận váy hồng trước sự ngỡ ngàng của gia đình, người thân.
Bộ phim với khoảnh khắc định mệnh khi Ludo buộc phải cắt đi mái tóc dài, sống đúng với con người mà bố mẹ cậu áp đặt, đã giúp nó giành giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Quả cầu vàng 1998 như một cách giới thiệu khéo đến người xem là các bậc phụ huynh.
3/ Boys don’t cry, 1999
Hilary Swank "chuyển giới" thật sự trong vai diễn làm nên sự nghiệp tỏa sáng của cô - Ảnh: IFC Films |
Brandon Teena là người đã truyền cảm hứng cho bộ phim hiếm hoi về phận nữ nhi muốn trở thành nam nhân, dám yêu, dám sống hết mình, bất chấp cái giá phải trả. Sau khi bị một tốp thanh niên đánh đập vì phát hiện ra anh là người chuyển giới, Brandon bỏ đến Nebraska, nơi mà bi kịch thật sự bắt đầu khi anh đem lòng yêu say đắm Lana đến độ dự định cùng cô chuyển đến một thành phố khác an cư lạc nghiệp. Giấc mơ khó thành khi Brandon tiếp tục trở thành nạn nhân của trò hành xác của đám đàn ông.
Thông điệp phim có thể gây tranh cãi nhưng góc nhìn của Kimberly Peirce cho chúng ta thấy thế giới đáng sợ như thế nào với những người chuyển giới chưa được xã hội chấp nhận.
4/ All about my mother, 1999
Dàn diễn viên nữ của All About My Mother - bộ phim đoạt hàng loạt giải thưởng năm 2000 - Ảnh: Pathé |
Tác phẩm của Pedro Almodóvar luôn xảy ra trường hợp diễn viên chuyển giới đóng vai không chuyển giới, và ngược lại. Các nhân vật trong phim ông luôn có vẻ ngoài đồng bóng, hài hước, sâu sắc và đặc biệt nhạy cảm.
Lồng ghép các nhân vật chuyển giới vào trong câu chuyện phức tạp về tình mẫu tử, All about my mother là bài ca chứa đựng ý nghĩa sâu xa của con người, khi sống trong bất kì hình dáng hay giới tính nào, cũng có cùng mục đích: sự tồn tại. Yêu, kết hôn, sinh nở cứ xoay vần theo vạn vật và nếu một trong ba điều ấy dừng lại, con người trở nên vô nghĩa.
5/ Beautiful boxer, 2004
Nhân vật chuyển giới ngoài đời - võ sĩ kiêm người mẫu Parinya Charoenphol và võ sĩ hóa thân vào vai của cô trước khi chuyển giới - Ảnh: TLA Releasing |
Là câu chuyện về nghị lực phi thường của cậu bé Toom, bộ phim gây xúc động cho người xem về quá trình Toom trải qua bao khó khăn để trở thành võ sĩ Muay Thái, đến khi cậu có đủ tiền vừa giúp đỡ bố mẹ, vừa thực hiện các ca phẫu thuật chuyển giới.
Beautiful boxer trở thành minh chứng sống động cho nỗ lực và quyết tâm của người chuyển giới, khi khó nghèo và thành kiến xã hội không làm họ chùn bước. Bộ phim nhận phản hồi tốt đẹp từ giới phê bình phương Tây nhưng thật ngạc nhiên khi tại quê nhà Thái Lan - một nơi có ngành công nghiệp tình dục hàng đầu, nó lại bị phê bình vì những cảnh khỏa thân!
6/ Transamerica, 2005
Hành trình khó quên của "ông bố" kiêm bà mẹ Bree. Ảnh: IFC Films |
Bree đã từng lấy vợ, sinh con… nhưng chỉ còn một tuần nữa chị sẽ tiến hành cuộc phẫu thuật để chính thức trở thành phụ nữ. Bất ngờ thay, chị nhận được cuộc gọi của Toby – cậu con trai thất lạc, người vốn gọi chị bằng cha, đang bị tống tù ở New York mong chị giúp đỡ. Bree chấp nhận làm một cuộc hành trình xuyên Mỹ gặp con trai, để gỡ bỏ khúc mắc, và đối diện quá khứ lần cuối trước khi “sang trang”.
Không ai nghĩ Felicity Huffman đủ sức để tái hiện một Bree sượng sùng, tự ti cùng giọng nói ồm ồm… cho đến khi xem phim. Dù phần thưởng Oscar không thuộc về Bree nhưng với những người chuyển giới như cô, họ có quyền hi vọng được sống đúng là mình, cho dù ở hoàn cảnh nào.
7/ Tomboy, 2011
Hình ảnh đáng nhớ trong Tomboy khi Lisa cắt tóc cho cậu bạn trai "đặc biệt" - Ảnh: Canal+ |
Khai thác những trường hợp hiếm có khó tìm, nữ đạo diễn chuyên làm phim về LGBT - Céline Sciamma thuyết phục người xem bằng sự tinh tế tuyệt vời trong cách diễn đạt nội tâm một câu bé 10 tuổi trong hình hài bé gái. Từ khi sinh ra, Laure đã không có thân thể bình thường như những cậu con trai trong xóm mới, cả đến khi Laure gặp và… yêu cô hàng xóm Lisa, Laure vẫn giấu thân phận thật của mình dưới cái tên Mikäel, cho đến khi bị phát hiện. Tomboy đã đoạt giải Teddy Bear dành cho phim LGBT hay nhất tại LHP Berlin.
8/ Laurence anyways, 2012
Tình yêu kì lạ của hai nhân vật chính trong khiến bộ phim trở nên phi thực tế một cách đẹp đẽ - Ảnh: MK2 |
Mượn bối cảnh những năm 90 hiền hòa, yên cả, Laurence Anyways lại là phép thử tâm lý dữ dội: Laurence - một người đàn ông chuyển giới đem lòng yêu Fred - đàn bà chính hiệu, vì chỉ khi ở bên Fred, Laurence mới thật sự cảm giác mình là một phụ nữ.
Cuốn phim dài gần ba giờ đồng hồ của đạo diễn trẻ đầy tài năng Xavier Dolan hoàn toàn kéo người xem ra khỏi thực tại, bước vào thế giới thơ mộng với âm nhạc, nhịp điệu, văn thơ và những bộ trang phục đẹp lộng lẫy.
9/ The new girlfriend, 2014
Bìa áp phích đầy ẩn ý của phim The New Girlfriend - Ảnh: Mandarin Cinéma |
Đạo diễn đồng tính người Pháp Francois Ozon luôn được cộng đồng LGBT thần tượng qua hàng loạt phim tình cảm, khi hài hước chua cay, lúc u tối thâm độc… Và dù trong thể loại này, ngôn ngữ của Ozon vẫn lôi cuốn.
Điển hình là năm rồi ông cho ra mắt phim tâm lý “cười ra nước mắt” The new girlfriend, kể về một phụ nữ chuyển giới (do nam tài tử Romain Duris thủ diễn) nhận ra mình có…cảm tình đặc biệt với bạn thân của… vợ. Nét thanh lịch duyên dáng giúp khán giả nhẹ nhàng, nhẹ lòng khi xem phim này.
10/ Tangerine, 2015
Những góc tối cuộc sống lề đường qua máy quay iPhone khiến Tangerine giành bốn đề cử giải Điện ảnh Độc lập 2016. |
Với kinh phí vỏn vẹn 100,000 USD, đạo diễn kiêm quay phim Sean Baker đã sử dụng iPhone để quay toàn bộ tác phẩm đen tối nhưng đầy nhân văn của những người chuyển giới buôn phấn bán hương trên đường phố Los Angeles.
Bạo lực, sự suy đồi đạo đức là hai yếu tố khiến phim chân thực nhưng lại khó xem với khán giả thông thường. Nhưng hình ảnh Sin-Dee Rella rong ruổi đi tìm giải đáp cho câu chuyện bị bạn trai lừa dối, hay Razmik người đàn ông có gia đình ham muốn kỳ lạ với những phụ nữ chuyển giới… đều lá lát cắt đầy tính thời sự mà bộ phim nhắc tới.
Theo dòng lịch sử Magnus Hirschfeld - nhà tính dục học người Đức từng thành công khi giúp danh họa Einar Mogens Wegener thực hiện ước mơ trở thành phụ nữ vào những năm 30 (chi tiết đã bị thay đổi khi chuyển thể trên phim The Danish Girl). Hirschfeld còn nổi tiếng với ngôn từ “transvestite” ám chỉ người có khuynh hướng tính dục khác thường trong ăn mặc. Họ không đơn giản là hoán tính (transgender), mà ở một cấp độ nhẹ hơn, họ chỉ thấy thoải mái mặc đồ khác phái. Magnus Hirschfeld và chúng ta đều không ngờ thời nay, nữ giới thường xuyên khoác sơ-mi nam, chuộng menswear… trong khi có anh dùng son môi của nữ, theo hẳn trào lưu unisex. Ban đầu “transvestite” chỉ là dụng ngôn mà Magnus Hirschfeld dành để viết kịch bản phim đồng tính nam đầu tiên Different from the Others (1919); Cuối những năm 50, kỹ nghệ làm phim mới sản sinh ra từ “transgender” dành cho phim có nhân vật nam cải trang nữ hoặc ngược lại. Some like it hot với cảnh hai gã nhạc công Jerry và Joe giả gái thầm yêu nàng Marilyn Monroe, hay Psycho của Alfred Hitchcock ám ảnh người xem bằng hình ảnh gã sát nhân phân tâm học, hóa trang thành người mẹ quá cố mỗi lần hạ thủ, là những ví dụ.
Ngày nay, điện ảnh Mỹ khai thác “transgender” (người chuyển giới) qua nhiều thông điệp khác nhau trong Pink Flamingos, Victor Victoria, Mrs Doubtfire, Breakfast on Pluto… lấy đi nước mắt và tiếng cười của khán giả. Xuất phát sau, điện ảnh Âu châu có Pedro Almodóvar và các tác phẩm sắc xảo không kém: Talk to her, Bad education, The skin i lives in… Tác giả châu Á muộn màng hơn nhưng vẫn theo dòng sự kiện bằng Beautiful boxer, Spring fever… nhẹ nhàng và thi vị. Giờ đây “transgender” không còn là trở ngại của điện ảnh khi tư tưởng và tri thức mở rộng, ngoại trừ một số quốc gia bảo thủ. |
ĐỨC TRẦN
Video được xem nhiều nhất