Dự báo khả năng học tập qua… chiều dài ngón tay
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà nhà tâm lý thuộc Đại học Bath (Anh): Trẻ em có ngón áp út dài hơn ngón trỏ có khuynh hướng học giỏi môn toán hơn môn văn (đọc - viết) và ngược lại. Điều thú vị này hình thành từ lúc thai nhi còn trong bụng mẹ.
Khi nghiên cứu ngón trỏ và giữa của 75 trẻ em 7 tuổi, nhóm nghiên cứu nhận thấy: Những em có ngón áp út ngắn hơn ngón trỏ đạt kết quả thi môn tiếng Anh (đọc – viết) tốt hơn môn toán trong kỳ thi SAT (Kiểm tra để đánh giá khả năng học tập theo tiêu chuẩn). Ngược lại, những em có ngón áp út dài hơn ngón trỏ đã đạt điểm toán cao hơn điểm tiếng Anh.
Theo nhóm nghiên cứu, mối liên hệ giữa chiều dài các ngón này với khả năng học tập xuất phát từ mức độ của 2 nội tiết tố testosterone và oestrogen mà các em chịu ảnh hưởng khi còn ở giai đoạn bào thai.
Theo các nhà khoa học, 2 nội tiết tố giới tính này có ảnh hưởng đến sự phát triển của não cũng như chiều dài của ngón tay.
Tiến sĩ Mark Brosnan, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu: “Testosterone được cho là có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của những khu vực trong não có liên quan đến kỹ năng toán học và không gian. Trong khi đó, oestrogen được xem là giúp phát triển các khả năng về ngôn ngữ”.
Ông Brosnan nói: “Thật là thú vị vì những nội tiết tố này cũng được tin là có khả năng tác động đến sự phát triển chiều dài của các ngón trỏ và áp út”.
Theo nhóm nghiên cứu, những trẻ em chịu ảnh hưởng của testosterone nhiều hơn thì xu hướng có ngón áp út dài hơn, trong khi những em chịu tác động của oestrogen nhiều hơn thường có ngón trỏ dài hơn.
Nhóm nghiên cứu đã lập các bản sao chụp lòng bàn tay của các em và đo chiều dài ngón trỏ, áp út của cả 2 bàn tay bằng compa đo ngoài (callipers) với độ chính xác lên đến 0,01mm. Sau đó, họ chia chiều dài ngón trỏ với chiều dài ngón áp út để xác định tỉ lệ ngón của từng em.
Sau khi đối chiếu tỉ lệ này với kết quả thi của các em, nhóm nghiên cứu cho biết họ xác định được “mối liên hệ có cơ sở” giữa chiều dài ngón tay và khả năng học tập.
Khi xem xét điểm của các bé trai và bé gái 1 cách riêng rẽ, nhóm nghiên cứu phát hiện ra sự liên hệ rõ ràng giữa mức độ ảnh hưởng cao hơn của testosterone trước khi sinh (thể hiện bởi ngón trỏ dài hơn) với điểm toán cao hơn so với điểm văn ở các bé trai.
Tương tự, các chuyên gia cũng nhận thấy mối tương quan giữa mức độ ảnh hưởng thấp hơn của testosterone trước khi sinh (điều dẫn đến ngón áp út ngắn hơn ngón trỏ) với điểm số môn văn cao hơn môn toán ở các bé gái.
Ông Brosnan cho biết: “Chúng tôi sử dụng việc đo chiều dài các ngón như là một cách để đánh giá mức độ ảnh hưởng của 2 nội tiết tố này đối với bào thai trong tử cung, và như chúng tôi đã thể hiện qua nghiên cứu này, chúng tôi có thể sử dụng những dữ liệu đó để tiên đoán khả năng của các em trong những môn thuộc về toán học và ngôn ngữ”.
Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi không hề gợi ý rằng việc xem xét chiều dài ngón tay có thể thay thế các kỳ thi SAT. Nhưng tỉ lệ các ngón tay giúp chúng ta tìm hiểu sâu hơn về khả năng bẩm sinh của trẻ em trong những lĩnh vực nhận thức chủ yếu”.
Trong tương lai, các chuyên gia sẽ xem xét mối liên hệ giữa tỉ lệ chiều dài ngón nói trên với những vấn đề thuộc về hành vi và nhận thức khác của trẻ như: sự khó khăn trong việc đọc, năng khiếu nghề nghiệp…
Nghiên cứu của tiến sĩ Brosnan và cộng sự đã được giới thiệu trên ấn bản mới nhất của tạp chí British Journal of Psychology (Tâm lý học Anh quốc).
Theo Vietnamnet
Video được xem nhiều nhất